Phát hiện dấu hiệu sự sống trên bề mặt Mặt Trăng Titan của Sao Thổ

(SHTT) - Sau 20 năm liên tục nghiên cứu Mặt Trăng Titan của Sao Thổ, gần đây, các nhà khoa học thuộc NASA đã phát hiện ra các phân tử hữu cơ có trong siêu bão bụi xuất hiện trên thiên thể này. Những phát hiện mới mẻ này mang hy vọng trong tương lai có thể tìm thấy sự sống tại đây.

Theo NASA, dựa trên các dữ liệu mới nhất về mặt trăng Titan của Sao Thổ được tàu vũ trụ Cassini của NASA thu thập được, các nhà khoa học đã phân tích xong dữ liệu về các cơn bão bụi khổng lồ, bao trùm phần lớn Mặt Trăng Titan của Sao Thổ trong suốt khoảng thời gian từ 2004- 2017 và phát hiện chúng mang những dấu hiệu quý giá của sự sống ngoài Trái Đất gồm có những phân tử hữu cơ.

Riêng việc xuất hiện bão bụi trên thiên thể này cũng đã là một điều đặc biệt hơn so với các ngôi sao và hành tinh khác ngoài vũ trụ. Đây là thiên thể thứ 3 trong hàng trăm thiên thể trong Hệ Mặt Trời được phát hiện có bão bụi. Hai thiên thể còn lại là Trái Đất và Sao Hỏa, một đang có sự sống và một có bằng chứng về sự sống cổ đại.

Hình ảnh các trận bão cát trên bề mặt Titan được các nhân viên đồ họa Nasa tái hiện lại. 

Siêu bão bụi này gồm các hạt vật chất được nâng lên từ những cồn cát lớn quanh xích đạo của Titan, bởi cơn bão mê-tan mạnh mẽ. Những phân tử hữu cơ phức tạp được tìm thấy qua kết quả phân tích hóa học khí quyển mỗi khi bão bụi nổi lên.

Trước khi phát hiện bão bụi, Titan đã từng được NASA ví như một Trái Đất ngoài hành tinh. Titan có địa hình khá giống Trái Đất, với các biển hồ mê-tan dạng lỏng và có bằng chứng cho thấy nhiều nơi trên bề mặt Mặt Trăng Titan có thể được bao phủ bởi phân tử hữu cơ. Đây là thiên thể thứ hai trong Hệ Mặt Trời, sau trái đất, có chất lỏng tồn tại ổn định trên bề mặt.

Hình ảnh mô phỏng bão cát trên bề mặt Titan. 

Theo một nghiên cứu trước đây của Mỹ, công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology, sở dĩ các phân tử hữu cơ giàu carbon được cho là tồn tại trên bề mặt Titan chưa phát triển thành sự sống vì nhiệt độ ở đây luôn được duy trì ở mức quá thấp (khoảng -179 độ C). Tuy nhiên, các nhà khoa học đang hướng việc tìm kiếm sự sống tới các khu vực miệng núi lửa và các hố thiên thạch sâu, vốn là những nơi ấm áp hơn.

Giữa tháng 9 qua, NASA cũng công bố một trong các hình ảnh cận cảnh nhất về mặt trăng Titan mà tàu vũ trụ Cassini đã chụp được trên đường lao vào Sao Thổ "tự vẫn".

 Các hồ metan lỏng được phân bố giày đặc trên bề mặt Titan.

Sau 20 năm với nhiều lần gia hạn nhiệm vụ, vào năm ngoái, Cassini đã được nhận lệnh lao vào bầu khí quyển của Sao Thổ để bị thiêu hủy hoàn toàn.

Hải An