Gián - Các chiến binh tương lai cho công tác cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sập nhà

(SHTT) - Các nhà khoa học đã tạo ra một thiết bị có thể gắn vào con gián và điều khiển chúng theo mệnh lệnh để hỗ trợ lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị mắc kẹt trong các vụ tai nạn đổ sập các công trình cơ sở hạ tầng.

Abhishek Dutta, một giáo sư về kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Connecticut, đã phát triển một vi mạch điều khiển thần kinh nhỏ có khả năng tác động tới hành động của loài gián để giúp các nhân viên thực hiện công tác tìm kiếm và cứu nạn tại các tòa nhà bị sập giảm bớt thời gian và công sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông cho biết: "Việc sử dụng côn trùng làm nền tảng cho robot nhỏ có tính ứng dụng vô cùng lớn trong nhiều lĩnh vực từ tìm kiếm và cứu hộ đến quốc phòng. Chúng tôi tin rằng thiết bị vi điện tử của mình có thể cung cấp một hệ thống điều khiển tinh vi và đáng tin cậy hơn, giúp chúng tôi tiến thêm một bước gần hơn tới việc áp dụng công nghệ này trong thế giới thực".

 Đối tượng được nhóm kỹ sư này lựa chọn thử ngiệm công nghệ mới là loài gián Madagascar

Đối tượng được nhóm kỹ sư này lựa chọn thử ngiệm công nghệ mới là loài gián Madagascar. Theo National Geographic, những con gián có chiều dài từ 5 - 7 cm và có thể sống từ 2-5 năm. Các vi mạch được gắn vào một gián sống thông qua một thiết bị giống như balo nhỏ trên lưng. Để có thể điều khiển được hành động của những con gián này, các kỹ sư sẽ cho dây điện từ mạch kết nối với các thùy ăng ten của côn trùng (râu).

Khi thiết bị do các kỹ sư điều khiến truyền đi một luồng điện có cường độ vô cùng nhỏ tới mô thần kinh tại râu của gián, thiết bị có thể lừa con gián nghĩ rằng có một trở ngại phía trước do đó chúng sẽ di chuyển theo một hướng khác — hướng mà người điều khiển mong muốn. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra được rằng khi cung cấp điện cho râu bên phải sẽ khiến gián di chuyển sang trái và ngược lại.

Mặc dù các thiết bị tương tự đã được phát triển trong quá khứ, cho tới thời điểm hiện tại, vi mạch này vẫn là sản phẩm độc nhất bởi vì nó chứa một đơn vị đo quán tính chín trục tiên tiến có thể theo dõi gia tốc quay và tuyến tính của gián, cũng như hướng con vật di chuyển.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng theo thời gian, những con gián dần quen với các tác động nhân tạo và phản ứng ít hơn .

Ví dụ, nếu con gián di chuyển sang phải khi dòng điện được gửi tới râu bên trái của nó, các lần tiếp theo sẽ không có tác dụng mạnh.

 

Nhóm các nhà khoa học hy vọng rằng với quá trình nghiên cứu chuyên sâu và cải tiến trong tương lai, những con gián được gắn thiết bị điều khiển hệ thần kinh này có thể hỗ trợ con người trong công tác định vị các nạn nhân mắc kẹt trong các tòa nhà hoặc các công trình xây dựng bị sập mà các đội cứu hộ không thể vào được.

Vũ An