NASA tìm thấy dấu hiệu của nước trên sao Mộc

(SHTT) - Các phát hiện mới nhất của Cơ quan hàng không và không gian Hoa Kỳ cho thấy sao Mộc có thể có lượng oxy nhiều gấp hai đến chín lần so với mặt trời.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không và không gian Hoa Kỳ đã tìm thấy những dấu hiệu của nước trên những "đám mây sâu nhất" của sao Mộc trong khi nghiên cứu Vết Đỏ Lớn hay Đốm Đỏ Lớn - là một cơn bão với xoáy nghịch trên Mộc Tinh, nằm ở khoảng 22° phía nam xích đạo, đã kéo dài 340 năm.

 

Cơn bão này lớn đến mức có thể thấy từ Trái Đất qua kính viễn vọng. Cơn bão này đã hoành hành trên sao Mộc hàng trăm năm nay. Cơ quan hàng không và không gian Hoa Kỳ cho biết, phát hiện này cho thấy hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời có thể có oxy nhiều gấp hai đến chín lần so với Mặt trời.

 

Các quan sát được thực hiện bởi nhà vật lý thiên văn NASA Gordon Bjoraker và các đồng nghiệp. Họ đã quan sát Vết đỏ lớn bằng kính thiên văn có độ phân giải lớn từ Trái Đất và những gì họ quan sát được “gần như chắc chắn là một đám mây nước”.

Phát hiện này “hỗ trợ các mô hình lý thuyết và mô phỏng máy tính dự đoán về lượng nước lớn tồn tại trên sao Mộc được cấu thành từ các phân tử oxy và hydro”, NASA cho biết.

Trước đó, các nhà nghiên cứu thiên văn học thuộc NASA đã từng cho rằng việc nghiên cứu Vệt Đở Lớn sẽ trở nên khó khăn do lo sợ các đám bụi lớn bao phủ xung quanh tâm bão sẽ cảm trở việc quan sát sâu vào mắt bão nhưng kết quả thực hiện lại khiến họ khá bất ngờ vì mặc dù đây là một cơn bão lớn, có thời gian hoạt động đã lâu nhưng các đám mây bụi xung quanh cũng khá mỏng giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát bằng kính thiên văn từ Trái Đất.

 

Nếu Juno, một tàu vũ trụ vòng quanh sao Mộc, có thể phát hiện ra những điều tương tự thì trong tương lai, rất có thể, các nhà khoa học có thể áp dụng  phương pháp quan sát từ Trái Đất để tìm ra sự hiện diện của nước trên các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời mà không cần tới sự giúp đỡ của các tàu vũ trụ.

Thiên An