Fukushima tiếp tục gây lo ngại

Trục trặc kỹ thuật ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã bơm nhầm 240 tấn nước nhiễm phóng xạ vào sai bồn chứa, gây lo ngại về khả năng rò rỉ nước phóng xạ ra đại dương. Nhiều nguồn tin cho biết, nước nhiễm phóng xạ đã lan tới bờ Tây nước Mỹ và hiện đã có hơn 100 đơn kiện của thủy thủ Mỹ.

Đơn kiện từ Mỹ

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, nước ngầm bị rò rỉ có nhiễm phóng xạ ở mức cao, đạt đến 37 triệu becquerel Cesium trong mỗi lít nước (giới hạn an toàn tối đa ở mức 25 becquerel/lít. Lẽ ra lượng nước này phải bơm vào tòa nhà khác nhưng nó đã bơm vào tòa nhà cung cấp nước sạch cho tiến trình làm nguội lò phản ứng. Nguyên nhân được cho là do trục trặc ở hệ thống bơm nước.

Theo Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), nước bị ô nhiễm đã tràn ngập tầng hầm của các tòa nhà trong phạm vi nhà máy. Mặc dù TEPCO đảm bảo nước bị nhiễm phóng xạ không rò rỉ ra đại dương hoặc rò rỉ ra bất kỳ khu vực nào khác, TEPCO cũng đang giám sát chặt chẽ vụ việc.

Trong khi đó, các thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đã đệ đơn kiện TEPCO đòi đền bù 1 tỷ USD do bị phơi nhiễm phóng xạ. Sự việc xảy ra vào năm 2011 khi trận động đất sóng thần gây sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Lúc đó tàu sân bay này được cử tới đảo Honshu, nơi có nhà máy Fukushima giúp đỡ khắc phục hậu quả thảm họa hạt nhân. Tàu đậu cách bờ biển 1 hải lý để cứu các công dân trong khu vực bị nhiễm xạ. 

Đơn kiện của các thủy thủ cho rằng họ bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm, vượt xa mức do TEPCO thông báo. Đơn kiện bắt đầu từ tháng 2-2014 đến nay đã vượt quá 100 đơn. Đơn kiện cho biết TEPCO đã nói dối với Hải quân Mỹ về mức độ phóng xạ. Bị đơn cho rằng hậu quả là giờ đây họ bị các bệnh như ung máu, ung thư não, ung thư tinh hoàn, bệnh tuyến giáp, rối loạn chức năng và xuất huyết tiết niệu, bị cắt bỏ túi mật, vô sinh, dị tật bẩm sinh, các vấn đề về thị lực… Phía TEPCO đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Lưỡi hái tử thần rình rập?

Theo Russia Today, ngày 11-4 vừa qua, TEPCO thừa nhận rằng khoảng 300 tấn nước nhiễm xạ phát ra từ nhà máy Fukushima từ tháng 8-2013 có mức nhiễm xạ cao hơn báo cáo trước đó. Nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, Thái Bình Dương đã tiếp nhận nước nhiễm xạ lên tới mức 280 triệu becquerel/lít. Một số nguồn tin còn cho rằng lượng nước nhiễm xạ này đã lan tới tận bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Dù thế nào đi nữa, người dân sống dọc vành đai Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ treo lơ lửng về khả năng nhiễm xạ khi mà lượng nước làm mát nhiễm xạ của nhà máy Fukushima có nguy cơ rò rỉ ra đất và biển là rất cao.

Theo báo Vancouver Sun (Canada), nhiều nhóm nhà khoa học cùng cư dân tại bờ Bắc Mỹ và Costa Rica đã tự vận động, thu thập các mẫu nước biển để đo nồng độ phóng xạ. Đây là sáng kiến của nhà khoa học Ken Buesseler thuộc Viện Hải dương học Wood Hole, tổ chức hải dương phi lợi nhuận lớn nhất thế giới.

Ông Buesseler từng nghiên cứu tình trạng rò rỉ nước nhiễm phóng xạ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ra Biển Đen. Ông cũng làm việc với các nhà khoa học Nhật Bản từ giữa năm 2011 để nghiên cứu khả năng nước nhiễm phóng xạ của nhà máy Fukushima lan ra Thái Bình Dương. Ông thất vọng về việc Chính phủ Mỹ không tài trợ cho chương trình thu thập nước biển để xem xét mức nhiễm phóng xạ. 

Cho đến nay, đã có 22 địa điểm tại Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Hawaii được nhận tiền quyên góp nói trên để phân tích nước biển. 27 điểm khác đang chuẩn bị nhận tài trợ. Chi phí cho mỗi mẫu nước biển thử nghiệm phóng xạ (bao gồm cả chi phí vận chuyển) trung bình 600USD.