Công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số

(SHTT) - Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 với chủ đề “Từ Công nghệ tới Chính sách” được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức sáng 8/6, tại Hà Nội.

 

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất năm tại Việt Nam về xây dựng chính sách, nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain; thu hút sự tham gia trực tiếp của trên 500 đại biểu và hàng nghìn người biết tới sự kiện trên môi trường trực tuyến.

Nhấn mạnh tới vai trò của bolockchain, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư song hiện blockchain chưa gắn được vào thị trường Việt Nam thông qua các ứng dụng cụ thể. Trong khi nước láng giềng Trung Quốc đã coi blockchain là công cụ quan trọng để tập trung nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới.

Do đó, để đón đầu xu hướng này, Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số. Và để công nghệ này thực sự đi nhanh vào cuộc sống, Việt Nam cần có các chính sách thông thoáng và rõ ràng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, để thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam, Cục đã đề xuất 6 nhóm giải pháp dài hạn. Trước hết, phải phổ biến, tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu để hiểu đúng về blockchain. Từ cấp lãnh đạo đến đơn vị ứng dụng phải hiểu đúng bản chất công nghệ này. Bên cạnh đó, Việt Nam phải có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích ứng dụng blockchain trong một số lĩnh vực có tiềm năng lớn. Khi blockchain được phát triển mạnh mẽ, thì trước tiên cần phải quan tâm về tiêu chuẩn công nghệ hoặc tiêu chuẩn về quy trình. Do đó, phải ban hành những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật hoặc quy trình. Đồng thời, phải khuyến khích chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển các ứng dụng sản xuất trong nước. Cuối cùng, thúc đẩy ứng dụng blockchain trong triển khai chính phủ điện tử.

Còn trong ngắn hạn, theo ông Tuấn, Cục cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp cần thực hiện từ nay đến năm 2020. Đó là phải hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp, đưa ra các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy. Triển khai thí điểm blockchain trong một số ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến nền kinh tế như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, y tế, du lịch… Nghiên cứu và đưa ra giải pháp ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển trên nền tảng blockchain. Mặt khác, ban hành chương trình hành động quốc gia ứng dụng và phát triển blockchain trong nền kinh tế số.

Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, Trưởng ban Pháp chế IBL cho rằng, doanh nghiệp không phải chi trả tiền để mua ứng dụng blockchain. Nếu phát triển ứng dụng blockchain, đây là câu chuyện về chia sẻ chi phí từ doanh nghiệp cho đến người dùng và các cơ quan quản lý. Khi muốn triển khai ứng dụng liên quan đến blockchain, điều quan trọng là cần có nguồn lực lớn không những từ phía doanh nghiệp, mà cần các bộ ngành và cơ quan làm chính sách đưa ra những quy định và khung chuẩn nhất định.

Thanh Mai