Tiêu hủy gần 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật lậu từ Trung Quốc

(SHTT) - Ngày 16/5, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT tiếp nhận, tiêu hủy số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc.

Cục BVTV và Chi cục QLTT Lạng Sơn kiểm kê bàn giao tang vật thuốc BVTV buôn lậu bị bắt giữ.  Ảnh: Báo Nông Nghiệp 

Theo báo CAND, sáng 16/5, tại tỉnh Lạng Sơn, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã công bố việc tiêu hủy kho thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc bị cơ quan chức năng bắt giữ trên địa bàn tỉnh này.

 Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, toàn bộ kho thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu kể trên được vận chuyển bằng xe chuyên chở chất thải nguy hại để đưa về một lò nung xi măng ở tỉnh Hải Dương. Sau đó, các thùng thuốc sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao để tiêu hủy. Trong suốt quá trình này, Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ giám sát chặt chẽ. 

Được biết, số thuốc được đem đi tiêu hủy có khối lượng gần 3 tấn. Trên các thùng, bao thuốc này chỉ có chữ Trung Quốc, gồm nhiều loại thuốc kích chín hoa quả, kích thích sinh trưởng. Đáng lo ngại, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều loại thuốc cực độc như thuốc diệt chuột, thuốc diệt ốc và trừ cỏ. 

Theo ông Trung, toàn bộ số thuốc trên không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó có các nhóm thuốc trừ cỏ, trừ ốc, thuốc trừ cỏ có độc trong nhóm 1 (nhóm rất độc). Cơ quan chức năng phát hiện thuốc diệt ốc có thể tiêu diệt ốc dù sống dưới lớp bùn, đất. Đây là loại thuốc rất độc, không được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trên bao bì thuốc chỉ có chữ Trung Quốc. Ảnh: Thanh Niên 

Thanh Niên đưa tin, theo ông Hoàng Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật ở địa bàn biên giới diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng thường xé lẻ các lô hàng, thuê người vận chuyển qua các đường mòn, rồi chở bằng xe đạp để tuồn sâu vào trong nội địa. Sau đó, thuốc được bán lẻ lén lút trong các chợ nhỏ nên rất khó để phát hiện và xử lý.

Cũng theo ông Sơn, số thuốc bị tiêu hủy là tang vật bắt giữ trong 529 vụ với trên 183.579 đơn vị sản phẩm. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý được 105 vụ với số tiền phạt trên 239 triệu đồng. “Khi bị bắt, các đối tượng thường bỏ luôn hàng nên rất khó để cơ quan chức năng xử phạt”, ông Sơn nói. 

Mạnh Trường (t/h)