Báo động: 70% hàng hóa trên thị trường là hàng giả

(SHTT) - Trung Quốc dường như không chỉ làm ra mọi thứ mà nó cũng làm giả về mọi thứ. Mỗi ngày, hàng tấn hàng giả từ Trung Quốc được chuyển đi chủ yếu đến Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.

Một trong những người đang đấu tranh mạnh mẽ nhất nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả trên thế giới chính là ông Charles Scholz, giám đốc châu Á của công ty tư vấn an ninh Kroll Associates. Ông được các tập đoàn quốc tế tuyển dụng để giúp đỡ và ngăn chặn những kẻ làm hàng giả.

Theo đánh giá của ông Charles Scholz, việc số lượng lớn hàng giả ở Trung Quốc được tuồn ra thị trường đã làm tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế của các công ty nước ngoài, ước tính là khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Đáng lưu ý, hiện nay có khoảng 70% hàng hoá trên thị trường là hàng giả, một con số đáng báo động.

Chỉ cần qua biên giới từ Hồng Kông, thị trấn Thẩm Quyến đã trở thành "thánh địa" của các sản phẩm làm giả. Cụ thể, với những sản phẩm công nghệ như băng đĩa, máy ảnh, trên thị trường đã xuất hiện số lượng lớn hàng giả được sản xuất tinh vi và với giá thành chỉ bằng một nửa sản phẩm chính hãng.

 

Charles Scholz cũng đã cho biết rằng hầu hết các xe Yamaha ở Trung Quốc đều không phải do Yamaha sản xuất. Một phần tư trong số các loại pin mang thương hiệu Duracell và Energizer đều là hàng giả. Nhà vệ sinh tiêu chuẩn Mỹ, dầu gội đầu Head & Shoulders, dao cạo râu Gillette và thậm chí bơ đậu phộng Skippy hầu như cũng là các sản phẩm làm giả đánh lừa người tiêu dùng. Đáng báo động hơn, Trung Quốc thậm chí còn sản xuất cả thuốc Viagra giả.

Ông Scholz nói: "Tất cả những mặt hàng giả này đều gây thất vọng về chất lượng, từ dầu gội đầu đến các sản phẩm công nghệ. Những sản phẩm dầu gội đầu giả có thể sẽ gây ra những bệnh về da đầu trong khi những viên pin hay bóng đèn làm giả cũng chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì không đảm bảo chất lượng".

Không chỉ là các thiết bị hàng ngày, nhiều phụ tùng ôtô sản xuất tại Trung Quốc cũng đều là hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Và chính thực trạng này khiến những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có mặt khắp trên thế giới.

Một trong những khu thương mại hàng hóa lớn nhất Trung Quốc chính là thành phố Nghĩa Ô. Nó được coi là "thủ đô của hàng hóa" và cũng là "trung tâm giả mạo". Đây là nơi thu hút lượng khách quốc tế lớn. Tại đây có khoảng 40.000 cửa hàng bán buôn bán với khoảng 100.000 sản phẩm giả mạo đến 90%.

Và mỗi ngày, hàng tấn hàng giả được chuyển đi, chủ yếu đến Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ - ngay trước mặt cảnh sát Trung Quốc.

Ông Scholz cho biết: "Trên thực tế, cố gắng ngăn chặn nó sẽ gây ra một số thay đổi cơ bản trong xã hội và nền kinh tế ở đây”.

Tạ Hiền