Lật tẩy chiêu trò "phù phép" dầu nhớt thải thành dầu nhớt mang nhãn hiệu

(SHTT) - Lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên hiện đang điều tra cụ thể vụ làm giả nhãn hiệu dầu nhớt xe máy với số lượng lớn. Đối tượng đã mua dầu nhớt thải và "phù phép" thành dầu nhớt của các thương hiệu nổi tiếng như dầu nhớt của Yamaha, Honda.

Được biết, trong khi làm nhiệm vụ, Đội quản lý thị trường cơ động, Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên và Đội chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang Phạm Văn Sang (SN 1984, quê Hải Dương) thuê nhà ở thôn Thịnh Vạn, xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào đang có hành vi làm dầu nhớt giả.

Cụ thể, theo Người đưa tin, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Sang đang san chiết dầu nhớt từ các thùng phuy ra vỏ đựng dầu nhớt cũ của các thương hiệu nổi tiếng để tiêu thụ trên thị trường như hãng Yamaha và Honda.

 Lật tẩy chiêu trò "phù phép" dầu nhớt thải thành dầu nhớt mang nhãn hiệu

Tại nhà trọ của đối tượng này, lực lượng chức năng còn phát hiện có gần 1000 hộp dầu nhớt xe máy giả và nhiều thùng phuy đựng dầu nhớt không rõ nguồn gốc. Trong số đó có 4 thùng đang được sang chiết thành hơn 900 hộp loại thành phẩm, 6 thùng vẫn chứa nhiều dầu nhớt.

Tại cơ quan công an, Sang khai nhận là đi mua dầu nhớt cũ và các vỏ đựng dầu nhớt đã thay của cửa hàng phế liệu, cửa hàng sửa xe máy để làm dầu nhớt giả nhãn hiệu khác nhau.

Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra và làm rõ.

Trước đó, hơn 3 tạ mì chính giả nhãn hiệu nổi tiếng trên xe taxi đi tiêu thụ cũng bị phát hiện.

Cụ thể, lực lượng công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã phát hiện một chiếc xe taxi có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, trên xe giấu 9 bao tải màu trắng, bên trong có 200 gói mì chính loại 1kg và 213 gói mì chính loại 400g đều mang nhãn hiệu Ajinomoto, tổng trọng lượng 256kg.

 Hơn 3 tạ mì chính giả nhãn hiệu nổi tiếng trên xe taxi đi tiêu thụ

Làm việc với Nhà chức trách, lái xe Đặng Văn Hùng (24 tuổi, quê ở Thái Nguyên), không xuất tình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Đồng thời khai nhận, chở thuê cho Nguyễn Thị Nhung (ở huyện Thanh Sơn), tuy nhiên Hùng không hay biết bên trong là mì chính giả.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy, loại mỳ chính Hùng nhận chở thuê không cùng loại về chất lượng, vỏ bao bì với mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto.

Mở rộng điều tra, Nhung thừa nhận mua số lượng mỳ chính trên tại Vĩnh Phúc rồi thuê Hùng vận chuyển bằng xe taxi về huyện để tiêu thụ.

Hà Vân (t/h)