Tiếp tục thu hồi 3,3 triệu túi khí Takata, nhiều hãng xe lớn bị ảnh hưởng

(SHTT) - Vụ bê bối thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tiếp tục được mở rộng khi xuất hiện thông tin thu hồi thêm 3,3 triệu túi khí Takata. Những xe thuộc diện thu hồi lần này là các dòng xe sản xuất năm 2009, 2010 và 2013 thuộc các thương hiệu xe lớn.

Có thể nói, lỗi túi khí Takata đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền công nghiệp ô tô toàn cầu suốt thời gian dài qua. Nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới này đã khiến nhiều thương hiệu xe lớn phải lao đao khi thừa nhận những túi khí họ sản xuất có nguy cơ phát nổ khi được bơm phồng, làm bắn các mảnh kim loại có thể gây ra thương vong cho người ngồi trên xe. 

Và sau nhiều vụ bê bối, vào ngày 26/6/2017, công ty Takata đã nộp đơn xin phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ của doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất của “xứ hoa anh đào” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

 Tiếp tục thu hồi 3,3 triệu túi khí Takata, nhiều hãng xe lớn bị ảnh hưởng

Mặc dù vậy thì hậu quả mà những túi khí Takata để lại vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Mới đây nhất, trong đơn trình lên Cục Quản lý An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) xuất hiện thông tin sẽ thu hồi tiếp tục thêm khoảng 3,3 triệu túi khí Takata. Đợt thu hồi mới nhất này bao gồm những túi khí lắp trong các dòng xe sản xuất năm 2009, 2010 và 2013 thuộc các thương hiệu như Honda, Toyota, Audi, BMW, Daimler Vans, Fiat Chrysler, Ford, General Motors, Jaguar-Land Rover, Mazda, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Nissan, Subaru và Tesla. Các nhà sản xuất các xe ô tô trên sẽ cung cấp thông tin cụ thể về các dòng xe được trang bị túi khí của Takata được thu hồi đợt này.

Trước đây không lâu, lỗi túi khí do hãng Takata cung cấp tiếp tục gieo sầu cho các hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ hai ngày sau khi Toyota Việt Nam ra thông báo về lỗi túi khi trên 8.000 xe Corolla Altis, đến lượt Subaru thu hồi 24 chiếc Legacy và Outback nhập khẩu từ Nhật Bản để kiểm tra, thay thế cụ bơm túi khí ở vị trí ghế hành khách phía trước.

 

Theo thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, những chiếc xe Subaru kể trên được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản và được sản xuất từ năm 2010 - 2012. Cụ thể, cơ cấu bơm thổi phồng túi khí (PSAN) ghế phụ phía trước do hãng Takata Nhật Bản sản xuất có khả năng bị hơi ẩm xâm nhập. Do không có khả năng tự sấy khô, theo thời gian sử dụng, dưới tác dụng của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm môi trường thì bơm túi khí có chứa Nitrat Amoni cân bằng có thể bị hơi ẩm xâm nhập làm ảnh hưởng đến độ nhạy của cơ cấu bơm thổi (PSAN). Việc này có khả năng dẫn đến các hiện tượng như túi khí tự bung hoặc khi xảy ra va chạm thì hơi ẩm xâm nhập làm cho áp suất bơm khí không kiểm soát được dẫn đến phá hủy chi tiết, cơ cấu bơm khí gây nguy hiểm trong trường hợp xảy ra va chạm.

Hải Vân (t/h)