Clinton: 'Không được cưỡng ép' ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tránh "cưỡng ép", mà nên cùng hợp tác xây dựng bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Bà Hillary Clinton hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta, nhắc lại quan điểm cho rằng Mỹ "có lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, vốn đang chứa đựng đầy căng thẳng.

"Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực cần làm việc hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp mà không sử dụng sự cưỡng ép hay hăm họa, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực", bà Clinton nói.  

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đạt "những tiến triển có ý nghĩa" hướng tới việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Bà hy vọng rằng các bên sẽ đạt được bước tiến trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 này tại Campuchia.

Hồi tháng 7, các nước ASEAN cho biết đã đạt được thỏa thuận về những thành tố cơ bản của một bộ quy tắc, thường được biết đến với tên gọi COC. Bộ quy tắc này là bước đi cụ thể tiếp theo nhằm hiện thực hóa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Tuy nhiên đại diện ngoại giao của Bắc Kinh khi đó cho hay sẽ chỉ đàm phán về COC một khi điều kiện chín muồi, dù khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán.

Bà Hillary Clinton đang có chuyến công du tới 6 quốc gia châu Á Thái bình dương, trong đó có Indonesia, Trung Quốc và Nga. Giới quan sát đánh giá rằng chuyến công du này là một trong những cơ hội cuối cùng để chính phủ Mỹ khẳng định quan điểm của mình tại khu vực, trong vấn đề Biển Đông, trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 6/11 tới.

Biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng nhiều tháng qua thu hút sự chú ý của thế giới. Mỹ từng khẳng định cách đây hơn hai năm rằng nước này cũng có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều lời chỉ trích phê phán lẫn nhau xoay quanh vấn đề Biển Đông, dù Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền.

Với 4 thành viên đang liên quan đến tranh chấp, ASEAN cũng là một diễn đàn nơi chủ đề Biển Đông luôn được thảo luận sôi nổi. Kỳ họp các ngoại trưởng ASEAN tháng 7 vừa rồi đã không ra được thông cáo chung - điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Nguyên nhân là do bất đồng giữa các nước thành viên trong việc đề cập tranh chấp Biển Đông trong dự thảo thông cáo.

Theo kế hoạch, bà Clinton tới Trung Quốc hôm nay để tiếp tục thảo luận với giới chức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông và một số vấn đề khác – như khủng hoảng tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.