Nông sản Việt Nam còn yếu kém trong xây dựng thương hiệu

(SHTT) - Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhưng giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Và một trong những nguyên nhân chính là mặt hàng nông sản chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều tổ chức kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu, như ASEAN, WTO, AFTA… Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản được ghi nhận là ngành duy nhất mang lại giá trị thặng dư cho cán cân thương mại quốc gia với sự gia tăng cả về giá trị xuất khẩu và chất lượng hàng hóa. Cùng với sự mở rộng thị trường xuất khẩu, danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng gia tăng đáng kể theo thời gian. Cùng với những mặt hàng nông sản truyền thống như gạo, cao su, hạt điều, thủy sản, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ, một số sản phẩm mới như hạt tiêu, chè, rau quả, sữa, quế, lạc nhân cũng đã có những đóng góp tích cực vào tổng giá trị xuất khẩu. Sự xuất hiện của một số mặt hàng nông sản đã qua chế biến như sắn và các sản phẩm từ sắn, sản phẩm từ cao su, hàng mây, tre, cói, thảm, sản phẩm sữa cũng góp phần quan trọng trong quá trình gia tăng giá trị của hàng hóa, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu "top" đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài.

 

Ngay tại thị trường trong nước, có 80% lượng nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Tính đến cuối năm 2022, cả nước mới chỉ có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116 sản phẩm. Cùng với đó, số lượng chứng nhận tập thể trên cả nước đã được cấp là 1.682-một con số vô cùng khiêm tốn.

Lấy ví dụ điển hình từ mặt hàng cà phê, mặc dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này vẫn còn khá mờ nhạt, gần như không có thương hiệu… Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân sâu xa là do cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn kém… Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp (DN) trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Theo các chuyên gia, thương hiệu và uy tín của hàng nông sản chính là sự bảo đảm về các thuộc tính của sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, lợi ích, mẫu mã của sản phẩm. Thương hiệu không những là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác, mà còn là tài sản vô hình rất có giá trị của doanh nghiệp, là uy tín và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Sản phẩm có thương hiệu đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm được công nhận và ngược lại, muốn có thương hiệu sản phẩm thì chất lượng sản phẩm phải đạt yêu cầu. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu là biện pháp hữu hiệu và hướng đi không thể chậm trễ nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Vì vậy TS Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Đánh mất thương hiệu vào tay chủ thể nước ngoài không chỉ khiến tài sản bị thất thoát mà còn khiến những sản phẩm đó có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp ước quốc tế thì một lần nữa, bài học về đăng ký sở hữu thương hiệu tại các nước đối với doanh nghiệp Việt Nam lại đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết. Để vào được những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... các sản phẩm này phải bảo đảm được yêu cầu khắt khe về sở hữu thương hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm. Vì thế, chúng ta cần phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế”.

Hà Anh