Đồng Tháp: Phát hiện hơn 3 tấn đường cát nhập lậu

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp phát hiện phương tiện vận chuyển hơn 3 tấn đường cát nhập lậu.

Cụ thể, ngày 22/11/2022, tại khu vực Đường Võ Văn Kiệt (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), Đội QLTT số 3 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tiến hành dừng và khám phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát 67H-022.59 do ông Lê Thanh An, sinh năm 1988, thường trú tại tỉnh An Giang trực tiếp điều khiển có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

 Phát hiện phương tiện vận chuyển hơn 3 tấn đường cát nhập lậu tên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tổng Cục QLTT

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện trên phương tiện có 67 bao (50kg/bao tương đương 3.350 kg) đường cát nhãn hiệu WHITE SUGAR, có xuất xứ: Thái Lan (Product of Thailand). Tuy nhiên, các sản phẩm trên không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo hàng hóa để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tổng giá trị hàng hóa gần 57 triệu đồng.

Đội QLTT số 3 làm việc với ông Lê Thanh An - người điều khiển phương tiện khai nhận ông là người vận chuyển, đồng thời cũng là chủ lô đường cát nêu trên. Ông An cho biết được mua qua trung gian về bán lẻ lại tại các cơ sở tạp hóa chứ không trực tiếp nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, Đội QLTT số 3 tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên, đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 50 triệu đồng và tịch thu 67 bao (tương đương 3.350kg) đường cát nhập lậu nêu trên theo quy định.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các vụ việc được phát hiện gần đây chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ. 

Để ngăn đường lậu đội lốt đường Việt, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.

Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước để quay vòng hóa đơn...

Võ Liên