Việt Nam bàn về trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo

(SHTT) - Xác định địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo là nội dung đáng chú ý, được quan tâm thảo luận tại hội thảo quốc tế "Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam", do Bộ Tư pháp và Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người.

Các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến AI đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Trong đó, trách nhiệm pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các quy định của pháp luật,… đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của những đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

 Toàn cảnh hội thảo quốc tế "Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam"

Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng hy vọng rằng những thông tin, nội dung, những vấn đề trong buổi hội thảo hôm nay sẽ giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công việc trong việc kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ trong việc hoàn thành việc hoàn thiện thể chế liên quan đến các đối tượng lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với quan điểm trí tuệ nhân tạo không phải là con người, do đó không nên thừa nhận tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo như con người. Theo Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Khoa luật Dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trí tuệ nhân tạo không phải một thực thể sống, không có nhân tính con người. Bên cạnh đó, có thể sẽ có trường hợp con người lợi dụng trí tuệ nhân tạo để trốn tránh trách nhiệm nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải ví dụ, trong trường hợp bác sĩ sử dụng robot để phẫu thuật cho bệnh nhân, nếu xảy ra sai xót dẫn đến thiệt hại chết người thì việc buộc trí tuệ nhân tạo phải chịu trách nhiệm duy nhất là điều vô lý.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải cho rằng, các nhà làm luật có thể xem xét xây dựng địa vị pháp lý cho trí tuệ nhân tạo với tư cách tương tự pháp nhân, bởi pháp nhân dù có tư cách pháp lý nhưng vẫn hoạt động thông qua chủ thể là con người. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể quy định buộc chủ sở hữu phải tiến hành đăng ký xác định tư cách pháp nhân cho trí tuệ nhân tạo với cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, trí tuệ nhân tạo sẽ có địa vị pháp lý và có thể tham gia xác lập các giao dịch nhất định.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc xác định địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo là cơ sở để xác định trách nhiệm liên quan. Lấy kinh nghiệm từ châu Âu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa góp ý nên ưu tiên xây dựng khung pháp lý trong việc xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự nước ta mới dừng lại quy trách nhiệm cho chủ sở hữu, người chiếm hữu và sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà chưa đề cập đến "người vận hành". Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa cho rằng, việc châu Âu đưa ra cơ chế trách nhiệm cho người vận hành là để đảm bảo cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển công nghệ và đảm bảo sự an toàn, an tâm cho người sử dụng. Việt Nam cũng nên cân nhắc đường lối này khi sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, nhận thức rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những vấn đề pháp lý liên quan, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cúu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ nghiên cứu xây dụng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.

Thanh Tú