Cấp văn bằng bảo hộ cho 5 sản phẩm địa phương của Đà Nẵng

(SHTT) - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng đã công bố và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm địa phương, gồm: Lúa hữu cơ Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, Giá cát Hòa Nhơn, Đá trang trí Hòa Sơn, Cá nước ngọt Hòa Khương.

 Năm 2020, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao Công nghệ hỗ trợ, phối hợp với các địa phương: UBND xã Hòa Sơn, UBND xã Hòa Nhơn và UBND xã Hòa Khương tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: Lúa hữu cơ Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, Giá cát Hòa Nhơn, Đá trang trí Hòa Sơn, Cá nước ngọt Hòa Khương. Đây đều là các sản phẩm đặc thù của địa phương, có chất lượng tốt, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để xây dựng đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), sau nhiều khâu: Xây dựng bản đồ vùng sản xuất; Thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể; Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; Xin phép UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh; Lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể; Thẩm định hình thức, thẩm định nội dung,... 5 nhãn hiệu trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ.

 

Tại buổi công bố, TS Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng cho biết: "Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ giúp các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện, được hỗ trợ quảng bá rộng rãi, duy trì danh tiếng, uy tín, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Lãnh đạo Sở KH&CN Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ; quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển sản phẩm. Đồng thời yêu cầu chủ sở hữu các nhãn hiệu tập thể tăng cường tổ chức sản xuất sản phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật đã xây dựng, bảo đảm chất lượng sản phẩm; quản lý hiệu quả việc khai thác nhãn hiệu tập thể; tích cực truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được bảo hộ đến người tiêu dùng.

Mới đây, Sở KH&CN Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn trong thời gian 3 ngày để giới thiệu, cung cấp thông tin và hướng dẫn cho các học viên đến từ cơ quan quản lý, tổ chức khoa học và công nghệ, hội nông dân, liên minh hợp tác xã trên địa bàn thành phố cách thức xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương.

Bà Lê Minh Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế của Cục SHTT cho biết: "Chúng ta cần lưu ý đến việc đăng ký quyền SHTT cho đặc sản địa phương có gắn địa danh, dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc. Đồng thời cần quan tâm đến hiện trạng về bảo hộ quyền SHTT cho đặc sản địa phương...".

Qua lớp tập huấn này các học viên được hướng dẫn về quyền SHTT trong xây dựng, quản lý và phát triển, kinh nghiệm về xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng, xác lập nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương.

Đồng thời các học viên ở Đà Nẵng cũng được hướng dẫn về việc quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý và cách quảng bá, xúc tiến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Thanh Hà