Chủ tịch VIPA: Bảo hộ SHTT là vấn đề các doanh nghiệp bắt buộc phải quan tâm

(SHTT) - Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Tại buổi Hội thảo về bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đều đánh giá cao tầm quan trọng của SHTT.

Toàn cảnh Hội thảo về bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0. Ảnh: Thái An

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VIPA, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho biết: "Ngày 16/06/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một bước phát triển mới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc bảo hộ và quản lý tài sản SHTT của mình một cách hiệu quả và hữu ích.

Trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức của tất cả các cơ quan, ban ngành, hiệp hội. Ngoài ra, việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ SHCN tại nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cũng khẳng định sự tự tin của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường khoa học công nghệ toàn cầu. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp. Chúng ta hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp VN có thể nộp hàng trăm đơn sáng chế một năm, có thương hiệu mạnh và một số thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế".

Bên lề hội thảo, ông Bắc cũng đánh giá: "Càng ngày SHTT càng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, tỉ lệ tài sản SHTT trong quỹ tài sản của doanh nghiệp chiếm 50 – 60%, trong khi tại Việt Nam, SHTT hiện chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong tài sản chung của doanh nghiệp nên trong tương lai, nó còn bước tiến rất dài.

Khi có tài sản trí tuệ, doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc nâng cao khả năng thương mại".

 Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc. Ảnh: Thái An

Khi đánh giá về thực trạng bảo hộ SHTT của doanh nghiệp Việt tại thị trường nước ngoài, ông Bắc cho hay: "Nếu doanh nghiệp có chiến lược phát triển đưa sản phẩm ra nước ngoài thì việc đăng ký bảo hộ SHTT tại nước ngoài trở nên cực kỳ quan trọng. Việc Việt Nam trở thành thành viên của rất nhiều Hiệp định quốc tế về thương mại thì việc bảo hộ SHTT không còn là vấn đề muốn hay không muốn mà trở thành vấn đề bắt buộc phải quan tâm của các doanh nghiệp".

Ngoài ra, Chủ tịch VIPA cũng khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng 2 mục tiêu chính, đó là phù hợp với các quy định của Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, đồng thời xử lý những vấn đề mà trong thực tế đã có trong việc áp dụng luật mấy chục năm qua. Về cơ bản, luật đã mở rộng những phạm vi bảo hộ về SHTT, làm cho các thủ tục bảo hộ SHTT rõ ràng hơn, đấy là cái hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ tài sản SHTT của mình.

Hương Mi