Giới thiệu nền tảng quản lý tài sản sở hữu trí tuệ

(SHTT) - Ngày 24/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị tập huấn khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp.

Theo đánh giá của nhà khoa học, hiện nay việc tiếp cận kịp thời và khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Với doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp giúp đầu tư hợp lý cho nghiên cứu, bảo hộ kịp thời kết quả nghiên cứu sáng tạo và khai thác hợp pháp các tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ, sáng chế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu của trường, viện và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với các cơ quan quản lý, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Vì vậy, nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp - IPPlatform đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thiết lập, duy trì và phát triển như một công cụ phục vụ việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý.

 

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá, trong quản lý tài sản trí tuệ bằng nền tảng IPPlatform là một "điểm chấm" trong bức tranh tạo ra giá trị tài sản sở hữu trí tuệ đối với các đơn vị có hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D). Nền tảng cho phép nhập cơ sở dữ liệu, sử dụng khai thác dữ liệu sẵn có, nghiên cứu thị trường và đưa ra thương mại hóa. Nền tảng này cùng với các đơn vị, hiệp hội, viện nghiên cứu sẽ góp phần phát triển lâu dài tài sản trí tuệ cho Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, triển khai nền tảng IPPlatform vẫn là một việc mới và cần được định hướng lâu dài. Từ việc nghiên cứu thị trường, đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần chú ý. Do đó để nền tảng này trở thành biểu tượng trí tuệ, các doanh nghiệp, hiệp hội cần nghiên cứu cùng phát triển.

Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, trong quá trình phát triển kinh tế, việc bảo vệ tài sản trí tuệ là thiết yếu, nhưng ở Việt Nam nhận thức về bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và các tổ chức chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, các cơ quan về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm tạo ra các nền tảng, công cụ mới giúp doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức bảo vệ tốt loại tài sản đặc biệt này.

Thông qua IPPlatform, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể nghiên cứu về thị trường, đánh giá xu hướng phát triển công nghệ, xu hướng đầu tư trong các ngành công nghiệp, các lĩnh vực kinh doanh trên thị trường. Thông qua nền tảng này, doanh nghiệp đánh giá được khả năng bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình nhờ việc tra cứu thông tin về tình trạng kỹ thuật. "Thông qua IPPlatform doanh nghiệp cũng có thể đánh giá khả năng thương mại hóa, sử dụng tài sản trí tuệ, tránh những tranh chấp, xung đột quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký trước đó", ông Cẩn cho biết.

Thanh Tú