Bản quyền NFT ngày càng lộ nhiều sơ hở

(SHTT) - Trong thời điểm NFT vẫn đang sốt 'sình sịch' và được coi là mảnh đất sinh lời mới thì vấn đề bản quyền liên quan lại đang dần lộ ra những sơ hở. Nhiều tác giả đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi tác phẩm nghệ thuật bị biến thành NFT và bán trên các nền tảng trực tuyến khi chưa xin phép.

Cụ thể, theo câu chuyện được họa sĩ Aja Trier, sống tại thành phố San Antonio, Texas, cô đã quá quen với việc các tác phẩm nghệ thuật của bản thân xuất hiện trên các sản phẩm áo phông, ốp lưng điện thoại và vô số những nơi khác mà không được báo trước và cũng không giúp tác giả có thêm bất cứ lợi ích kinh tế nào.

Nhưng sự việc bị đánh cắp chất xám trắng trợn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự bùng nổ của cơn sóng NFT. Cụ thể, theo chia sẻ của nữ họa sĩ, vào ngày 4/1 vừa qua, Aja Trier phải tá hỏa khi kiểm tra email cá nhân và nhận được hàng loạt cảnh báo được gửi đến với nội dung: Những bức tranh nổi tiếng theo phong cách Vincent Van Gogh của cô đã được chuyển thành gần 86.000 NFT và bán trên nền tảng OpenSea.

Các tác phẩm của Trier kết hợp thành bộ sưu tập "Starry Night Dog" với gần 86.000 NFT. 

Chia sẻ về sự việc với The Verge, Trier cho biết: "Tôi đã thấy các nghệ sĩ khác bị ăn cắp tác phẩm và bán dưới dạng NFT, nhưng không tới mức như trường hợp của tôi. Nhiều người cũng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ thấy quy mô ăn cắp bản quyền lớn như vậy".

Trier cũng nói rằng, cô không hề hay biết về việc các tác phẩm của bản thân được chuyển thành NFT và bán với giá từ 0,003 ETH, tương đương 10 USD cho mỗi NFT.

Trier sau đó cố gắng khiếu nại lên OpenSea bởi các vi phạm, tuy nhiên, cô cũng đã bỏ cuộc vì thất vọng với các biện pháp của nền tảng này trong việc bảo vệ chủ nhân thật sự của tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, Aja Trier không phải là nạn nhân duy nhất của hoạt động đánh cắp bản quyền thông qua NFT và giúp những kẻ phạm luật kiếm về hàng tỷ USD.

Theo NFTTheft - một nhóm tập hợp những nghệ sĩ có tác phẩm bị trộm và biến thành NFT, các vụ ăn cắp số lượng nhỏ vẫn thường xảy ra mỗi ngày. Tuy nhiên, có trường hợp số tác phẩm bị đánh cắp lên tới hàng chục nghìn, như của Trier.

Vấn nạn này được cho là có liên quan đến các phần mềm bot quét hình ảnh trên website trưng bày trực tuyến của nghệ sĩ, thậm chí là trên các dịch vụ như Google Image, sau đó tạo các bộ sưu tập NFT tự động rồi bán trên chợ. Những danh sách này có nhiều nhất trên OpenSea.

NFT đang dần lộ ra những khuyết điểm tồi tệ khiến chủ sở hữu chịu thiệt thòi trong khi kẻ phạm luật được hưởng lợi khủng từ sản phẩm không phải của bản thân 

"Đó không phải là sự tình cờ", đại diện NFTTheft nói. Theo người này, các sàn như OpenSea cho phép tạo NFT bằng cách sử dụng Lazy Minting - tính năng cho phép người dùng liệt kê NFT để bán mà chưa cần phải ghi vào blockchain. Bên cạnh đó, người bán không phải trả phí cho sàn cho đến khi NFT được mua. Điều này tiếp tay cho những kẻ lừa đảo bày bao nhiêu mặt hàng tùy thích với hy vọng sẽ có ai đó mua tác phẩm.

"Nhiều nền tảng khác cũng có Lazy Minting, nhưng sự phổ biến của OpenSea và hệ thống kiểm tra nhanh của nó là nơi lý tưởng để bot ẩn nấp", NFTTheft cho biết.

Các nghệ sĩ có thể biết tác phẩm của mình bị ăn cắp thông qua một số phần mềm chuyên dụng. Năm ngoái, DeviantArt đã giới thiệu Protect - công cụ chuyên nhận dạng hình ảnh và thông báo cho chủ nhân của chúng về việc vi phạm bản quyền trên các chợ NFT.

Dù vậy, việc yêu cầu gỡ bỏ các tác phẩm vi phạm lại là chuyện khác. Trier đã gửi văn bản lên OpenSea, nhưng nhận sàn này yêu cầu chứng minh quyền sở hữu của từng NFT.

Trong một diễn biến may mắn liên quan, họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan, Lois van Baarle, vào tháng 12 năm ngoái đã thành công đòi lại được 100 tác phẩm vi phạm. Tuy nhiên, trường hợp của tác giả này cũng chỉ là số ít may mắn, bởi hầu hết các hoạt động khiếu nại thường phải chờ đợi rất lâu mới được giải quyết hoặc tác giả bị từ chối khiếu nại và ngậm ngùi chịu thiệt thòi.

Với vai trò trung gian, OpenSea cho biết việc bán các tác phẩm NFT đạo nhái trên nền tảng là vi phạm chính sách, với mức xử lý cao nhất là xoá tài khoản. Dù vậy, đại diện công ty thừa nhận hơn nửa các mục tạo bằng công cụ miễn phí có trên chợ là các tác phẩm ăn cắp ý tưởng, bộ sưu tập giả mạo và NFT rác.

Rarible, một nền tảng giao dịch NFT lớn khác, cố gắng kiểm soát vấn đề vi phạm bản quyền bằng cách sử dụng hệ thống xác minh do con người kiểm duyệt. Sàn này khẳng định hệ thống đã giảm tới 90% việc bán tác phẩm đạo nhái kể từ đầu 2021.

Tuy vậy, các giải pháp như của Rarible chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Theo Mert Hilmi Iseri, chuyên gia của Math Venture Partners, cần có các hệ thống kiểm soát "ở quy mô blockchain" để xác minh những nhà sưu tập, nghệ sĩ và người bán hợp pháp, đồng thời trừng phạt những kẻ lừa đảo trên thị trường.

Các chuyên gia khác cho rằng đã đến lúc việc giao dịch NFT cần đưa vào khuôn khổ pháp lý và có chế tài để ngăn vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ. Dù vậy, thị trường này hiện chưa được kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật.

NFT (Non-fungible Token) nghĩa là token không thể thay thế. Nói cách khác, NFT là đơn vị dữ liệu mã hóa, đại diện cho một tài sản điện tử độc nhất được lưu trữ trên Blockchain.

NFT có thể tồn tại dưới bất kỳ tài sản điện tử nào như coin, vật phẩm game,... và chúng sẽ không thể nào hoán đổi cho bất kỳ tài sản điện tử khác. Loại hình Token NFT được tạo ra và sử dụng trên nhiều nền tảng blockchain khác nhau nhưng chủ yếu nhất vẫn là Ethereum.

Cơn sốt NFT cũng bắt đầu hình thành nhờ vào chính 3 tính chất đặc biệt sau của NFT:

  • Tính độc nhất: mỗi NFT đều có tính chất riêng và hoàn toàn khác biệt so với những NFT khác.
  • Tính khan hiếm: mỗi NFT chỉ đại diện cho tài sản điện tử duy nhất và không thể thay thế bằng bất cứ hình thức nào, điều này đã tạo nên giá trị cho các NFT. Ví dụ: món đồ càng khan hiếm thì giá trị sẽ càng cao so với món đồ buôn bán đại trà.
  • Không thể tách rời: mỗi NFT không thể chia tách dưới bất kỳ hình thức nào. Ví dụ: 10 Altcoin ERH có thể chia nhỏ thành 10 phần để giao dịch nhưng NFT thì không.

Giống như các Token tiêu chuẩn khác trên nền tảng Blockchain, NFT cũng sở hữu tính đảm bảo quyền sở hữu tài sản, tính an toàn và dễ dàng chuyển nhượng. Nói cách khác, dựa vào Công Nghệ Blockchain, mọi loại tài sản đều có thể được đại diện và mua, bán dưới dạng NFT độc nhất trên sàn giao dịch điện tử. Và chính vì vậy mà hàng triệu người sẵn sàng chi tiền để mua token NFT để đại diện cho tài sản của mình và từ đó đã tạo nên cơn sốt NFT.

Nhờ các tính chất đặc biệt bên trên mà NFT đã được ứng dụng vào đa dạng lĩnh vực. Nhưng nổi bật nhất vẫn là 3 lĩnh vực gồm nghệ thuật số (NFT Art), vật phẩm game (Game NFT) và tiền điện tử (Đồng NFT). Và dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng lĩnh vực NFT này.

Linh An