Sáng chế thiết bị cảnh báo sớm cơn động kinh của 2 nữ sinh lớp 11

(SHTT) - Dựa trên tín hiệu điện da EDA, 2 học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã sáng chế một thiết bị giúp cảnh báo sớm cơn co giật động kinh. Sáng chế này đã giành giải nhất bảng C cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP HCM năm 2017.

Được biết chủ nhân của sáng chế trên là em Dương Nguyễn Minh Anh và Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 11A1 trường chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.

Ý tưởng sáng chế ra một thiết bị giúp cảnh báo sớm cơn động kinh dựa trên tín hiệu điện da EDA được bắt nguồn từ những công bố tại Hoa Kỳ về mối liên hệ giữa đáp ứng điện da EDA và cơn động kinh. Đây cũng là điểm sáng tạo đáng ghi nhận của 2 nữ sinh trên trong khi phần lờn giới y học trong nước chẩn đoán động kinh dựa trên điện não đồ.

Sáng chế thiết bị cảnh báo sớm cơn động kinh của 2 nữ sinh lớp 11 

Minh Anh cũng đã chỉ ra được những đề tài nghiên cứu cụ thể của Mỹ về mối liên hệ trên. Theo đó, một đề tài nghiên cứu ở Bệnh viện nhi Boston, Mỹ cho thấy mối liên hệ giữa đáp ứng điện da EDA và sự hình thành các cơn co giật do động kinh. Viện công nghệ Massachusetts đã có đề tài ứng dụng dựa trên ý tưởng này được chứng nhận IRB.

Sau khi lên ý tưởng, 2 nữ sinh này đã bắt tay vào nghiên cứu và nhờ sự tư vấn từ bác sĩ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và đàn anh tại trường để hoàn thành ý tưởng.

Việc đầu tiên mà 2 nữ sinh này làm là viết thuật toán phát hiện co giật để lập trình trên bo mạch Arduino, ưu tiên thông số điện da và nhịp tim, điện da và nhiệt độ, cuối cùng mới là nhịp tim và nhiệt độ vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác.

2 nữ sinh này nhận thấy 3 dấu hiệu quan trọng trước một cơn co giật động kinh: độ tăng trưởng mồ hôi (ảnh hưởng đến điện da), nhiệt độ cơ thể và nhịp tim thay đổi đột ngột. Vì vậy nếu 2/3 dấu hiệu này vượt ngưỡng cho phép thì thiết bị sẽ cảnh báo tới cho người dùng.

Với hình dạng là đồng hồ đeo tay cùng 4 cảm biến là cảm biến điện da đeo vào hai ngón tay, cảm biến nhiệt hồng ngoại ở tai, cảm biến nhịp tim, thiết bị này sẽ nhận thông số sinh học từ cơ thể người, sau đó gửi dữ liệu về phần mềm trên điện thoại thông minh qua sóng bluetooth và đổ chuông cảnh báo.

Với tính hữu ích, sáng chế này đã đoạt giải nhất bảng C cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2017, do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ tổ chức.

Tuy nhiên, Kim Ngân cũng đã chỉ ra những hạn chế của thiết bị này đó là nó chỉ đánh giá trên một ngưỡng cố định, trong khi thông số sinh học mỗi người khác nhau (độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe...).

PV