Thị trường bánh trung thu 2020: Kiểm soát an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu

(SHTT) - Tết Trung thu 2020 đang đến gần vì vậy thị trường bánh trung thu cũng đang khá sôi động. Lực lượng chức năng đang cố gắng để quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát, nhất là bánh trung thu lại tăng đột biến. Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm vừa đề nghị Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh trung thu. Do mặt hàng bánh trung thu chỉ mang tính thời vụ, hoạt động sản xuất và tiêu thụ diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình, các làng nghề truyền thống, mà còn được tăng cường tại các công ty, khách sạn, doanh nghiệp… có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường.

 Thị trường bánh trung thu 2020: Kiểm soát an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: "Cũng như nhiều loại bánh khác, bánh Trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì an toàn sức khỏe. Nhưng nếu rủi ro, chúng ta sẽ ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần".

Được biết, một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng; erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp; allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em… Việc không công khai bảng thành phần khiến người tiêu dùng không yên tâm và nguy hại sức khỏe hoàn toàn có thể xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, để tránh mang bệnh tật vào người, người tiêu dùng không nên ham rẻ. Hiện nay thị trường bánh Trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng…

"Nên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, không ham rẻ, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn vì không đảm bảo sức khỏe cho chúng ta. Đối với các loại bánh Trung thu nhập ngoại nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo. 

Để có kết quả kiểm nghiệm cuối cùng của cơ quan chức năng về thành phần các loại bánh kẹo nhập lậu sẽ mất khá nhiều thời gian. Bởi vậy hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các loại bánh kẹo, hoa quả ngoại nhập để bảo đảm sức khỏe cho chính mình. 

Vân Anh