USITC triển khai điều tra tranh chấp bằng sáng chế

(SHTT) - Mới đây, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã xác nhận đang mở 1 cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc vi phạm bằng sáng chế từ Maxwell đối với các sản phẩm của Apple.

Theo GizmoChina, USITC hồi đầu tuần này đã xác nhận đang tiến hành điều tra liên quan đến cáo buộc từ Maxwell, một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng về việc các sản phẩm của Apple vi phạm bằng sáng chế.

Được biết, Maxwell đã đệ đơn kiện Táo khuyết từ đầu năm nay nhưng tới thời gian này mới nhận được phản hồi từ USITC.

Maxwell mong muốn ITC đưa ra lệnh loại trừ cùng lệnh rút cũng như ngưng những hoạt động vi phạm của Apple. Về cơ bản, điều này sẽ cấm Apple nhập khẩu các thiết bị được trang bị công nghệ vi phạm vào Mỹ.

ITC đã phản hồi đơn khiếu nại này và thông báo rằng họ sẽ bắt đầu điều tra nhằm tìm hiểu xem các sản phẩm của Apple liệu có vi phạm bằng sáng chế và tài sản trí tuệ của Maxwell hay không.

 

Theo một thông báo do ITC công bố, "những thiết bị di động, tablet, smartwatch và laptop được bán dưới thương hiệu Apple" cũng sẽ bị điều tra, cụ thể là kiểm tra hơn 10 khiếu nại vi phạm bằng sáng chế riêng biệt từ Maxwell.

Apple mặc dù mới đón tin mừng khi đạt mức 2000 nghìn tỉ USD vốn hóa thị trường nhưng lại gặp phải rất nhiều cáo kiện. Ngoài sự việc được đề cập phía trên, hiện Apple cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng thương hiệu 'iPhone'  tại Brazil.

Cụ thể, tòa án tối cao Brazil vừa quyết định chấp nhận xem xét đơn kháng cáo của IGB Eletrônica. Nếu thành công, hãng điện tử tiêu dùng này sẽ được độc quyền nhãn hiệu iPhone ở Brazil, điều mà họ bị từ chối trong vụ kiện Apple năm 2018.

IGB Eletrônica đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “G Gradiente iphone” từ năm 2000, trong kế hoạch tung ra mẫu điện thoại mới. Dù vậy, đơn đăng ký chỉ được phê duyệt vào năm 2008, khi mà iPhone của Apple đã xuất hiện được một năm.

 

Năm 2012, IGB Eletrônica vẫn xuất xưởng chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android mang nhãn hiệu “Gradiente iphone”. Để giải quyết, Apple cũng từng yêu cầu Viện Đăng ký sở hữu Công nghiệp Quốc gia của Brazil hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu này của IGB Eletrônica.

Thời gian qua, mặc dù công ty Brazil vẫn có thể sử dụng nhãn hiệu “Gradiente iphone” ở nước mình, nhưng họ không được độc quyền thương hiệu. Bất kỳ công ty nào khác, bao gồm cả Apple, đều có thể sử dụng nhãn hiệu iPhone ở Brazil.

Tòa án tối cao Brazil vừa quyết định xem xét lại vụ việc theo kháng cáo của IGB Eletrônica. IGB lập luận rằng quyết định hủy bỏ hiệu lực độc quyền nhãn hiệu "Gradiente iphone" ở Brazil là "làm tổn hại quyền lợi doanh nghiệp, sự cạnh tranh tự do và quy định bảo hộ nhãn hiệu".

Ngược lại, Apple tuyên bố rằng các công ty khác không thể sao chép thương hiệu của họ với chữ cái “i” đầu tiên viết thường, sau thời điểm họ công bố thế hệ iMac đầu tiên vào năm 1998. Apple khẳng định, IGB chưa bao giờ sử dụng nhãn hiệu iPhone cho đến khi iPhone thành công.

IGB Eletrônica, được biết đến trên thị trường với tên gọi Gradiente, từng rất có tiếng tăm ở Brazil trong quá khứ. Nhưng giờ đây, công ty gặp khó khăn và đang phải tái cấu trúc.

Ngoài hai vụ việc trên, Apple cũng đang tham gia vào vụ kiện với một công ty có tên là Prepear vì sử dụng biểu tượng quả lê, giống với biểu tượng quả táo nổi tiếng.

Thái An