Cận cảnh sáng chế xe lăn vượt địa hình của 2 nam sinh lớp 11

(SHTT) - Với niềm đam mê sáng chế, Phùng Khôi Nguyên và Nguyễn Trọng Khánh Huy, học sinh lớp 11A8 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã chế tạo mô hình xe lăn vượt địa hình. Sản phẩm đã đoạt giải nhất cấp tỉnh Nghệ An.

Phùng Khôi Nguyên và Nguyễn Trọng Khánh Huy được biết đến là 2 học sinh giỏi giang và có đam mê nghiên cứu khoa học. Khi đang là học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh), hai em đã sáng chế mô hình máy phát điện từ năng lượng mặt trời, đoạt giải tư cấp quốc gia.

Tháng 6/2019, khi nhà trường phổ biến về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2019- 2020, hai nam sinh lại muốn thử sức.

Nguyên chia sẻ chứng kiến nhiều người khuyết tật đi lại khó khăn, nhất là ở địa hình gồ ghề, nơi xe lăn không thể đáp ứng. Em suy nghĩ làm thế nào giúp họ đi lại thuận tiện hơn và nảy ra ý tương chế tạo xe lăn vượt địa hình. 2 em đã nhận được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Văn Thọ (giáo viên Vật lý).

 Cận cảnh sáng chế xe lăn vượt địa hình của 2 nam sinh lớp 11

Sau 5 tháng lắp ráp, vận hành thử, mô hình xe lăn đã hoàn thành. Xe được chia làm ba phần chính: Hệ thống cơ cấu chuyển động; xilanh và mạch điện. Ở chế độ xe lăn bánh bình thường, người sử dụng bộ điều khiển để tiến - lùi, sang trái - phải. Khi kích hoạt sang chế độ xe vượt địa hình, bánh xe sẽ nâng lên để nhường cho hệ thống xích hoạt động. Nhờ một xilanh điện loại 24V với lực đẩy hàng trăm kg, xe lăn có thể di chuyển trên địa hình gồ ghề, sỏi đá.

Trước đó với sản phẩm xe lăn biến hình, hai em học sinh đến từ trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, Cần Thơ) cũng đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2019”. Đây là cả một hành trình nghiên cứu nghiêm túc và miệt mài của Nguyễn Quốc Thông và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc, cùng với sự hướng dẫn của thầy giáo - thạc sĩ Nguyễn Phúc Thịnh. 

Xe lăn của hai bạn có thể điều khiển đa dạng bằng 3 phương thức: cử chỉ, giọng nói hoặc thao tác trên ứng dụng điện thoại. Đặc biệt, chiếc xe có thể chuyển đổi dễ dàng thành giường nằm khi cần thiết và có giá thành rẻ hơn những sản phẩm có chức năng tương tự.

 

Hai em học sinh đã lên ý tưởng lập trình phần mềm trên điện thoại thông minh với ứng dụng RemoteWheelChairs có thể điều khiển tốc độ di chuyển của xe; điều chỉnh chế độ nằm, ngồi theo ý muốn. Đối với những người bị khuyết tật ở tay hay người già không thể sử dụng điện thoại thông minh, các em còn sáng tạo thêm thiết bị giống như một chiếc đồng hồ đeo tay, điều khiển bằng cử chỉ tay để xe hoạt động theo ý muốn.

Tương tự, người dùng còn có thể điều khiển xe lăn ở các chế độ tiến, lùi, nằm... theo ý của mình với phần mềm điều khiển bằng giọng nói gắn trên chiếc mũ bảo hiểm có micro và được kết nối bluetooth giữa thiết bị điều khiển từ xa và thiết bị xử lý trong xe.

                                                                                                                                                             An Thái