Xây dựng nhãn hiệu: Cơ hội để phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống

(SHTT) - Việc xây dựng nhãn hiệu không chỉ giúp các sản phẩm làng nghề truyền thống giữ được chỗ đứng trong thị trường mà còn tăng sự cạnh tranh, đảm bảo sự bình đẳng cho các sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề này hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Làng nghề truyền thống của Việt Nam được đánh giá cao bởi chất lượng sản phẩm và ý nghĩa lâu đời. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội và doanh thu của các làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn một số làng nghề hoạt động chưa ổn định, quy mô sản xuất, số hộ làm nghề có chiều hướng thu hẹp, thậm chí có làng nghề gần như ngừng hoạt động do khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Không ít địa phương, mặc dù số lượng làng nghề lớn nhưng số làng nghề đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề vẫn còn rất ít. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người dân làng nghề trong việc đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu còn hạn chế và tư duy mang nặng tính cá nhân, mạnh ai nấy làm... Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất và mối liên kết trong các làng nghề còn yếu, các doanh nghiệp và hộ cá thể trong làng nghề sản xuất tự phát, thiếu chiến lược phát triển bền vững.

Có thể thấy các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, vì vậy, sản phẩm sẽ khó bị làm giả, làm nhái và giá trị được nâng lên rất nhiều.

Xây dựng nhãn hiệu: Cơ hội để phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống

Tuy nhiên, để thương hiệu phát triển bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với việc phát triển sản phẩm của địa phương, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu.

Các làng nghề cũng cần phát huy tính sáng tạo, chủ động của các hội, hiệp hội trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm….Có như vậy mới từng bước đưa các sản phẩm của làng nghề truyền thống có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Một ví dụ tiêu biểu về ý nghĩa của nhãn hiệu đối với sản phẩm làng nghề truyền thống đó là sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia). Sản phẩm này đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được nhiều người dân tin dùng, song vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các kênh “quen biết” mà vẫn chưa có một đơn vị nào đứng ra làm kênh phân phối chính cho sản phẩm. Nhận thức được giá trị của việc đăng ký nhãn hiệu, từ năm 2013, huyện Tĩnh Gia đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án khoa học “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nước mắm Do Xuyên – Ba Làng của xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia”. Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, từ đó mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nước mắm, góp phần bảo đảm đời sống cho người sản xuất.

Theo đó, huyện đã thành lập Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng để quản lý, phát triển nhãn hiệu; xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình, quy chuẩn chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho nhãn hiệu nước mắm Do Xuyên - Ba Làng. Đến nay sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng đã được công nhận nhãn hiệu với gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm; mỗi năm, các cơ sở chế biến, tiêu thụ khoảng 4 triệu lít nước mắm, mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Mai Hà