Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đăng ký nhãn hiệu

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đăng ký này vẫn nhiều khó khăn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế AEC”, luật sư Phạm Thị Thoa thuộc văn phòng luật sư Apolat Legal, cho rằng, hiện có hai vấn đề chính khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Thứ nhất là thông tin về những hồ sơ đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được cập nhật khá chậm. Khi tra cứu nhãn hiệu trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp thấy tên của mình không bị trùng, và yên tâm đăng ký. Tuy vậy, có thể một doanh nghiệp khác đã đăng ký nhãn hiệu đó từ 1, 2 ngày trước nhưng thông tin chưa được cập nhật. Một năm sau, doanh nghiệp này mới được biết nhãn hiệu của họ bị từ chối vì trùng tên thì họ đã phát triển và quảng bá thương hiệu trên thị trường rồi, điều này gây tổn thất rất lớn.

“Nếu doanh nghiệp biết sớm hơn thì đã có thể thay tên nhãn hiệu và có hướng phát triển khác”, bà Thoa nói.

Khó khăn thứ hai, theo bà Thoa, là quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn khá cứng nhắc. Cụ thể, theo Luật Sở hữu trí tuệ, khi hai doanh nghiệp cùng đăng ký một nhãn hiệu và nộp đơn trong cùng một ngày, thì nếu hai doanh nghiệp này không thỏa thuận được quyền sử dụng chung thì nhãn hiệu đó sẽ bị bác.

Trên thực tế, nếu trong hai doanh nghiệp có một doanh nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm trước và đã có danh tiếng trên thị trường nhưng chưa đăng ký bảo hộ, còn một doanh nghiệp chỉ mới hoạt động và có ý đồ cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp kia nên đã dùng trùng tên, thì trong trường hợp này, nếu bác bỏ nhãn hiệu thì sẽ gây mất mát lớn đối với doanh nghiệp. Theo bà Thoa, nên có quy định hướng dẫn giúp doanh nghiệp hoạt động lâu năm có quyền ưu tiên hơn những doanh nghiệp mới khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Ông Lê Trung Thọ thuộc công ty cổ phần Hoàng Ngọc thì cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp còn coi nhẹ việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. “Đến khi đã quảng bá thương hiệu rồi, thì bị doanh nghiệp khác kiện, lúc đó mới biết nhãn hiệu của mình bị trùng. Hoặc các doanh nghiệp không thực sự quan tâm đến việc tra cứu, chuẩn bị tên nhãn hiệu để đăng ký, có doanh nghiệp đưa ra 10 nhãn hiệu thì đã bị bác tới 8 tên”, ông Thọ nói.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo đại diện công ty NutiFood, việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài rất khó khăn do thiếu thông tin hướng dẫn về pháp luật của các nước sở tại, thiếu nguồn tra cứu thông tin chuyên môn; doanh nghiệp không nắm được nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu sau khi được cấp dẫn đến dễ bị mất quyền. Đồng thời, việc đăng ký cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các đại diện sở hữu công nghiệp. 

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, cho biết bảo hộ nhãn hiệu chỉ có tính chất lãnh thổ nên các doanh nghiệp muốn xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới thì nhãn hiệu phải được xác lập quyền tại quốc gia sở tại và tại các quốc gia mục tiêu.

Chỉ riêng trong khối ASEAN, hệ thống pháp luật của các nước không đồng đều. Các nước như Singapore, Thái Lan… có chính sách, quy định đăng ký sở hữu trí tuệ chặt chẽ, nhưng tại một số nước khác thì hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chưa hoàn thiện.

Hiện cũng chỉ có năm nước ASEAN tham gia vào hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu là Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, và Philippines. Tại những nước còn lại, doanh nghiệp nếu muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đều phải làm thủ tục trực tiếp tại nước đó.