Biến rác thải nhựa thành vật liệu làm đường - một mũi tên trúng hai đích

(SHTT) - Cùng với tình trạng khủng hoảng rác thải nhựa gia tăng, các nhà khoa học đang ngày càng tìm ra nhiều hơn những giải pháp hữu ích để tận dụng hoặc tiêu hủy thứ vật liệu cứng đầu này. Mới đây, một công ty Mỹ đã đề ra ý tưởng biến rác nhựa thành vật liệu làm đường và rất được đón nhận.

Rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề báo động đối với môi trường thế giới. Nhằm giảm thiểu tác động cũng như số lượng rác thải nhựa ngoài môi trường, các nhà khoa học đã tìm ra không ít giải pháp hữu ích cho vấn đề này. Gần đây nhất, một công ty của Mỹ là Dow Chemicals đã sáng tạo ra cách sử dụng rác thải nhựa để làm vật liệu xây dựng đường.

 

Dow Chemicals có trụ sở tại Midland, bang Michigan trong 2 năm qua đã dùng nhựa sau sử dụng để tạo ra một loại nhựa đường mới và đưa vào thử nghiệm xây dựng các con đường tại Freeport, bang Texas.

Theo thông cáo báo chí từ Dow Chemicals, con đường dài 800m được phủ bằng nhựa đường làm từ 764 kg nhựa mật độ thấp polyethylene (LDPE) tương đương cới khoảng 120.000 túi nhựa dùng tại các siêu thị hằng ngày.

Bằng phương pháp biến rác thải nhựa thành vật liệu làm đường, công ty này đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí xây dựng nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng.

 

Trước dự án này, công ty Dow Chemicals đã sử dụng nhựa tái chế để phục vụ cho các dự án trùng cải tạo đường bộ tại Debook, Indonesia. Các dự án này đã giúp Indonesia - đất nước có lượng rác thải gây ô nhiễm biển lớn thứ 2 thế giới đạt mục tiêu giảm lượng rác thải nhựa ra biển khoảng 70% tính đến năm 2025.

Dự án thử nghiệm tiếp theo đã được Dow Chemicals ấn định thực hiện tại Ấn Độ. Tại đây, Dow Chemicals sẽ cùng hợp tác với công ty rác thải KK Plastic và chính quyền địa phương để dùng rác thải nhựa cải thiện chất lượng đường tại Pune và Bangalore.

Được biết, Dow Chemicals cũng đã mang công nghệ này tới khu vực Đông Nam Á khi giúp cải thiện chất lượng đường bộ tại Thái Lan từ gần 10 tấn rác thải nhựa, ngăn chặn lượng rác khổng lồ này đổ xuống biển hoặc vùi xuống đất.

Việc tái chế rác thải hay xử lý bằng các biện pháp sinh học, thân thiện với môi trường hiện nay đang trở thành xu hướng nghiên cứu chính của các nhà khoa học trong vấn đề ngăn chặn sự phát triển của ô nhiễm môi trường. 

Vũ An