Chân dung "Dàn cá mập" của Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ suốt 3 mùa

(SHTT) - Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ là một chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp, với mục đích kết nối giới đầu tư mạo hiểm (Shark) với những công ty khởi nghiệp (startup). Dưới đây là chân dung "dàn cá mập" Shark của 3 mùa.

 Shark Trần Anh Vương

Shark Vương, tên thật là Trần Anh Vương (sinh ngày 15/06/1972) tại Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình. Ông là chủ tịch HDQT Công ty Cổ phần Đầu tư BVG, Thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (NDP) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN).

Tên gọi Shark Vương xuất phát từ chương trình Thương vụ bạc tỉ – Shark Tank Việt Nam mùa 1. Ông là một trong bốn nhà đầu tư chính tham gia đầu tư cho các startup trong chương trình, anh cũng là người có công đưa Shark Tank về Việt Nam.

 

Tuy nhiên, sau sự thành công của Shark Tank Việt nam mùa 1, bước sang mùa thứ 2, “cá mập” Trần Anh Vương không còn đóng vai trò là nhà đầu tư nữa mà rút lui về hậu trường với vai trò ban tổ chức.

Trước khi làm người lèo lái cho những tập đoàn lớn, Shark Trần Anh Vương cũng có những khoảng thời gian long đong lận đận với chuyện nghề nghiệp. Trước khi trở thành Tổng giám đốc của SAM Holdings, ông trải qua rất nhiều công việc khác nhau như kế toán, nhân viên kinh doanh…

Kể từ ngày 31/08/2018, Shark Vương chính thức không còn là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings. Theo đó, ông đã đăng ký bán toán bộ 15,27 triệu cổ phiếu SAM (tương đương với 6,32% vốn điều lệ). Ước tính toàn bộ khối tài sản hiện có thị giá 109 tỉ đồng.

Sau khi rời khỏi chiếc ghế Tổng giám đốc Sam Holdings, Shark Vương đã xuất hiện trở lại với một dự án mới dành cho cộng đồng khởi nghiệp và các nhà đầu tư – Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI (Education, Mentoring, Investing).

Shark Nguyễn Xuân Phú

Ông Nguyễn Xuân Phú là Chủ tịch HĐQT Sunhouse, người được mệnh danh là “vua chảo” bởi trong bếp của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện đều có mặt sản phẩm của Sunhouse. Chảo Sunhouse đang chiếm khoảng 40% - 50% thị phần tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên Sunhouse hiện đang vướng bê bối lớn. Trên mạng xã hội xôn xao về việc nồi cơm điện nắp liền SHD-8602, tem của siêu thị ghi thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc, trong khi trên nồi lại dán tem chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Trước bối cảnh sản phẩm của Asanzo đang bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ về nghi vấn bán hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam, thông tin về nồi cơm điện Sunhouse không khỏi khiến người tiêu dùng lo lắng về câu hỏi, có hay không đây cũng là hàng Trung Quốc được gắn mác hàng Việt.

Shark Thái Vân Linh

Từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại nhiều tập đoàn đa quốc gia và đa ngành, chấp nhận rời bỏ cái nôi tài chính của thế giới để trở về nơi chôn rau cắt rốn với lý tưởng “đời người chỉ sống một lần”, nhà đầu tư Thái Vân Linh - Giám đốc Chiến lược & Vận hành VinaCapital - tin rằng việc tham gia vào Shark Tank Việt Nam chính là cơ hội để giúp đỡ cộng đồng start-up trẻ trong nước.

 

Hồi tưởng lại những gian khó khi từng khởi nghiệp, cùng với quãng thời gian cọ xát với hàng trăm startups khi ở vị trí là nhà đầu tư mạo hiểm, “shark” Linh tin rằng “với những câu chuyện tại Shark Tank, tôi không chỉ nghe bằng lý trí mà còn có thể thấu hiểu bằng trái tim của mình”.

Shark Phạm Thanh Hưng

Là người dày dạn kinh nghiệm thương trường, từng làm thuê cho Ford, Toyota, rồi làm việc cho Bộ Khoa học & Công nghệ. Sau nữa là công ty tư nhân, rồi lập doanh nghiệp riêng, và trở thành Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN GROUP, “shark” Phạm Thanh Hưng là gương mặt không xa lạ trong giới bất động sản.

 

Sành sỏi là vậy nên vị doanh nhân họ Phạm cho hay chỉ đánh giá cao những startup có tính đổi mới và sáng tạo, “ tôi sẽ chọn những ứng dụng thay đổi sản phẩm cũ với bằng cách làm mới”, ông Hưng khẳng định.

Shark Nguyễn Mạnh Dũng

Shark Dũng tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1980), hiện đang là Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam và Thái Lan với hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Tên gọi Shark Dzung gắn liền với chương trình Thương vụ bạc tỉ – Shark Tank Việt Nam mùa 2. Trong chương trình, anh được biết tới là “cá mập có khẩu vị mạo hiểm” – Ưa thích đầu tư vào các start-up công nghệ.

 

Anh được coi là “người đỡ đầu” cho các startup nổi tiếng như Tiki, Vatgia, NhacCuaTui, Batdongsan, Vicare, Jupviec, Topica, Vexere, CleverAds, Luxstay… và tham gia sáng lập Foody.

Từ tháng 2/2013, Shark Dũng là người tiên phong khai mở thị trường Thái Lan và đầu tư vào Priceza, Acommerce… Bên cạnh đó, anh còn là mentor của nhiều công ty thành công và gọi được vốn như Jamja, Canavi, Homedy….

Shark Nguyễn Ngọc Thủy

Nguyễn Ngọc Thủy là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Anh còn được biết tới với vai trò nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup. Là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp giáo dục trên nền tảng công nghệ hiện đại tại Việt Nam, anh xây dựng Egroup thành một hệ sinh thái giáo dục tại Việt Nam có liên kết và hợp tác với các tập đoàn lớn như Chungdahm Learning, SK Telecom, MegaNext, Yakson Myungga, Culture 21, Franklin Learning Center (Mỹ)…

 

Egroup đang cung cấp cho thị trường các giải pháp giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Đến nay, tập đoàn Egroup đã phát triển gồm 12 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục. Anh khởi tạo nhiều dự án giáo dục ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới, điển hình là dự án chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English khi hợp tác với Chungdahm Learning, Hàn Quốc. Trong 2 năm, chuỗi trung tâm này đã có 50 trung tâm và hơn 30,000 học viên trên toàn quốc.

Shark Nguyễn Thanh Việt

Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom). 

Shark Việt sinh năm 1963 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, ông Việt dành 16 năm để công tác tại công ty Sông Đà, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, đến phó giám đốc rồi giám đốc công ty… 

 

Năm 2002, ông Việt thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế,…

Shark Phạm Văn Tam

Shark Phạm Văn Tam đã từng trong danh sách "dàn cá mập" của Thương vụ bạc tỷ mùa 3. Tuy nhiên sau scandal của Asanzo, Shark Tank sẽ tạm thời dừng phát sóng những phần liên quan đến ông Tam.

Mới đây, báo chí trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn".

 

Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường.

Khi sự việc được phanh phui dần, CEO Asanzo Phạm Văn Tam mới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc. Thậm chí ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp.

Shark Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Hà Linh