Asanzo bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao

(SHTT) - Sau khi nhận thấy Asanzo có nhiều sai phạm, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp này.

Mới đây, báo chí trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn".

Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường.

 

Khi sự việc được phanh phui dần, CEO Asanzo Phạm Văn Tam mới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc. Thậm chí ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp.

Shark Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Xoay quanh những lùm xùm trên, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng đã lên tiếng.

 Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Báo Lao động

Theo thông tin được đăng tải trên báo Lao động, bà Hạnh cho biết: "Chúng tôi điều tra người tiêu dùng mỗi năm một lần, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng. Cách thức là phỏng vấn trực tiếp với tiêu chí giá cả, mẫu mã, thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối... Sau đó tiến hành chạy máy đếm dữ liệu, doanh nghiệp nào đạt được tỉ lệ bình chọn thì được đưa vào danh sách.

Trường hợp của Asanzo, sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đối chiếu lại hồ sơ họ nộp thì rõ ràng sai phạm, vì trong điều lệ của Hội, gia công ở nước ngoài là không được cấp HVNCLC. Xét thấy Asanzo vi phạm, chúng tôi đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu".

"Họ đăng ký hồ sơ với Hội là sản xuất tại Việt Nam, nhưng khi thực hiện thì không đúng với những gì đã đăng ký, thực tế là sản xuất bên Trung Quốc. Hội thực hiện cấp giấy chứng nhận được hơn 20 năm, trung bình mỗi năm có khoảng 600 doanh nghiệp được bình chọn. Asanzo được cấp nhãn hàng HVNCLC trong 4 năm liên tiếp từ 2016 đến 2019", bà Hạnh cho biết thêm.

Khi được hỏi những nhãn hiệu được cấp giả và cả những nhãn hiệu được cấp thực nhưng hoạt động không đúng thì kiểm soát thế nào thì bà Hạnh cho hay: "Chúng tôi đề cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ Hội không thể đi kiểm tra, xác minh cụ thể được. Hội sống bằng sự tin cậy của doanh nghiệp, thể hiện qua việc đóng hội phí đầy đủ nhất".

Như vậy có thể thấy chính Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng chưa kiểm soát được chất lượng, nhãn hiệu của Asanzo. Vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Thanh Hà