Kosy - doanh nghiệp "hạt tiêu" lấy tiền đâu để hiện thực hóa tham vọng?

(SHTT) - Là "bé hạt tiêu" nhưng Kossy luôn mang tham vọng. Mặc dù mảng BĐS vẫn còn khó khăn nhưng Kosy lại có kế hoạch Nam tiến và lấn sang mảng thủy điện. Vậy thời gian tới Kosy sẽ huy động vốn ra sao hay chỉ là "bánh vẽ" với nhà đầu tư?

Tổng vốn đầu tư vượt quy mô tài sản

Công ty Cổ phần Kosy (Mã: KOS) được thành lập tháng 3/2008 với số vốn điều lệ hiện tại gần 1.038 tỷ đồng. Kosy có ngành nghề chính là kinh doanh; tư vấn, môi giới và đấu giá  bất động sản với hàng loạt dự án ở các tỉnh phía Bắc như: Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Dù với quy mô vốn nhỏ song các dự án của Kosy đang thực hiện có tổng mức đầu tư lên tới 2.321 tỷ đồng, tức gấp 2,2 lần vốn điều lệ và hơn hẳn tổng tài sản tới tới cuối năm 2018 của Công ty (1.711 tỷ đồng), theo số liệu trên báo cáo thường niên năm 2018.

 Thông tin dự án đang triển khai của Kosy (Nguồn: Báo cáo thường niên 2018)

Kosy cũng cho biết  các dự án nếu hoàn thành sẽ mang lại 3.894 tỷ đồng doanh thu cho Công ty. Đáng chú ý dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kosy liên tục âm trong 3 năm trở lại đây, kết thúc năm 2018 con số này đã lên tới âm 532 tỷ đồng.

Dù doanh thu và lợi nhuận của Kosy liên tục tăng trưởng trong 4 năm trở lại đây nhưng khoản phải thu và hàng tồn kho ngày càng phình to đã “ăn mòn” dòng tiền của doanh nghiệp.

 Tổng hợp kết quả kinh doanh và dòng tiền của Kosy 4 năm trở lại đây (Nguồn: HK tổng hợp)

Nhìn vào cơ cấu chính của tài sản có thể thấy khoản phải thu chiếm phần lớn tài sản của Công ty, sau đó là hàng tồn kho và nợ vay từ trái phiếu, ngân hàng.

Trong năm 2018, Kosy mới xuất hiện thêm khoản nợ từ trái phiếu trị giá 235 tỷ đồng kéo tổng nợ đi vay lên tới 304 tỷ đồng, còn trước đó chủ yếu là khoản vay ngân hàng và cá nhân của doanh nghiệp. 

Tổng hợp số liệu cơ cấu tài sản của Kosy 4 năm gần đây (Nguồn: HK tổng hợp) 

Tiền đâu để Kosy hiện thực hóa tham vọng?

Nhìn vào dòng tiền và quy mô tài sản, với những dự án mà Kosy vẽ ra liệu có khả thi khi tiềm lực tài chính yếu nhưng lại vẽ ra tham vọng quá lớn lao?

Từ năm 2017 trở về trước, doanh nghiệp huy động tiền từ tín dụng không quá nhiều. Tuy nhiên doanh nghiệp lại huy động vốn mạnh để đầu tư dự án qua các đợt phát hành cổ phiếu ngay sau khi trở thành công ty cổ phần từ mức 120 tỷ đồng lên 415 tỷ đồng trước niêm yết.  Kosy bắt đầu giao dịch UPCoM vào tháng 9/2017, ngay sau đó chỉ trong 1 năm Công ty đã tiến hành tăng vốn từ 415 tỷ lên 1.038 tỷ đồng.

Có thể thấy, mục hàng tồn kho của Kosy trong 4 năm trở lại đây thì chi phí sản xuất kinh doanh dở dang nằm phần lớn ở dự án Kosy Lào Cai.

Tính đến cuối năm 2018, con số tồn kho ở dự án này lên tới 257 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng  giá trị hàng tồn kho.

Chi tiết khoản phải thu của Kosy 4 năm gần đây (Nguồn: Báo cáo tài chính) 

Dự án Kosy Lào Cai là dự án lớn nhất trong các dự án doanh nghiệp đang triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 1.420 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất của dự án lên tới 38 ha trong đó doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà liền kế, biệt thự, nhà vườn.

Dự án Kosy được UBND thành phố Lào Cai tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng vào tháng 4/2012 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018. Cuối tháng 10/2018, Kosy đã phối hợp với đơn vị phân phối Danko Group tổ chức đợt mở bán.

Phối cảnh dự án Kosy Lào Cai (Ảnh: Kosy) 

Theo thông cáo báo chí của phía doanh nghiệp, 2/3 quỹ hàng được đưa ra giới thiệu ở buổi chào bán đã giao dịch thành công đồng nghĩa với 2/3 số lô đất cuối cùng đã có chủ.

Để xác minh rõ hơn liệu doanh nghiệp đã thực sự bán được hàng hay chỉ là “bánh vẽ” thì cần chờ thêm báo cáo tài chính nửa năm 2018, thậm chí báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán để kiểm chứng thêm.

Kế hoạch Nam tiến và lấn sang thủy điện mập mờ

Dù tiềm lực tài chính yếu nhưng  tham vọng Kosy ngày càng lớn. Năm 2018 Công ty còn tiến hành Nam tiến và đã khai trương văn phòng đại diện tại TP HCM.

Đặc biệt, tháng 6/2018 Kosy còn ra nghị quyết Hội đồng quản trị thành lập Công ty cổ phần Thủy điện CTV Đông Bắc với số vốn 500 tỷ đồng. Trong đó, Kosy góp 45% vốn tương đương 225 tỷ đồng. Tham vọng lấn sang mảng thủy điện của doanh nghiệp này đã nhen nhóm từ năm 2015, tuy nhiên sang năm 2018 Công ty mới có bước ngoặt chính thức.

Trên nghị quyết họp đại hội cổ đông thường niên năm 2018 cũng như trong báo cáo thường  niên 2018 doanh nghiệp cũng không đề cập chút thông tin nào thêm về dự định cũng như hướng triển khai và mục tiêu của mảng thủy điện và kế hoạch Nam tiến. 

Năm 2018 là năm "khát" vốn của Kosy nên doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch huy động 500 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu song kết quả cuối cùng doanh nghiệp chỉ huy động được 235 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Cơ hội PVI.

Trong động thái mới nhất gần đây ngày 27/2, ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bán ra 7 triệu cổ phiếu nhằm giảm sở hữu xuống dưới 50% là 48,52%, cùng thời điểm đó em trai ông Cường là ông Nguyễn Thế Hùng cũng ngay lập tức bán ra toàn bộ 6,3 triệu cổ phiếu KOS.

Diễn biến giá cổ phiếu KOS 1 năm gần đây (Nguồn: VNDirect) 

Chủ tịch và em trai đột ngột thoái vốn tại Kosy diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KOS ghi nhận phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 9 phiên giảm giá. Tuy nhiên toàn bộ 13,3 triệu cổ phiếu được bán qua giao dịch thỏa thuận với giá trị lên tới 239,4 tỷ đồng, tương ứng với giá 18.000 đồng/cp lại thấp hơn 15% so với giá trị giao dịch bình quân phiên 27/2.

Câu hỏi đặt ra là cá nhân hay tổ chức nào chịu chi hơn 230 tỷ đồng để nắm gần 13% vốn tại Kosy với mức giá ưu đãi?

Cơ cấu cổ đông của KOS tính đến hết tháng 2/2019 (Nguồn: HK tổng hợp) 

Qua các thông tin trên có thể thấy tham vọng của Kosy rất lớn trong khi nguồn lực tài chính hạn hẹp, dòng tiền liên tục âm liệu thời gian tới doanh nghiệp sẽ huy động vốn ra sao? Hay là Kossy lại chọn phương án tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay trở thành cỗ máy “in giấy lấy tiền” từ cổ đông khi mà tới đây doanh nghiệp dự kiến sẽ niêm yết lên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE)?

Hoàng Kiều