Lỗ nặng vì hoạt động "cốt lõi", đại gia ô tô Veam đang 'dính' nhiều tai tiếng

(SHTT) - Tổng Giám đốc của VEAM bị đình chỉ do tự ý mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT. Mới đây, VEAM lại bị Hải quan ấn định tới hơn 350 tỷ đồng tiền thuế vì lỗi “khai sai”.

Hoạt động cốt lõi lỗ nặng

 Nhà máy VEAM tại Thanh Hóa

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Corp – mã chứng khoán VEA) có hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, phần lớn lợi nhuận lại đến từ các công ty liên kết sản xuất xe máy và ôtô hàng đầu của Việt Nam, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam với tổng mức lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết là 4.763 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Thế nhưng, hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp của công ty lại thua lỗ 94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 8 tỷ đồng.

Bị hải quan truy hơn 352 tỷ

 

Do VEAM khai sai mã HS, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu (việc này diễn ra trước khi thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) dẫn đến Tổng công ty phải nộp lại hơn 352,4 tỷ đồng. VEAM đã nộp 172,8 tỷ đồng và còn phải nộp gần 180 tỷ đồng.

Được biết, đây là sai sót khi tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016 - 2017. Tổng công ty đã nộp một phần ban đầu trong giai đoạn đó và phần còn lại phải nộp trong quý I/2019.

Phần thuế phát sinh thêm trong năm 2017 và sau ngày IPO sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019. Ngoài ra, nhiều khả năng VEAM sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng tiền phạt do tính nhầm thuế.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dù trong kịch bản nào, kết quả kinh doanh của VEAM cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quý I/2019. Ước tính, lợi nhuận sau thuế năm 2019 sẽ giảm từ 1,4 - 1,9% do ảnh hưởng của việc tăng thuế phải nộp, còn khoảng 7.512 - 7.540 tỷ đồng.

'Dính' nhiều tai tiếng
 Văn bản chứng minh hợp đồng mua 3000 bộ linh kiện phụ tùng xe Hyundai của VEAM.

Trong năm vừa qua, VEAM lại dính vào không ít vụ lùm xùm, tai tiếng. Đơn cử như việc ông Trần Ngọc Hà đã bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc VEAM Corp do liên quan tới việc cuối năm 2017 ông này tự quyết định và giao Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT.

Ông Hà có nghĩa vụ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của VEAM tập trung thu hồi công nợ và bán hàng với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng xe Hyundai Mighty mua từ Công ty CP Dịch vụ và thương mại.

VEAM sau đó có giải thích rằng, việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM  ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có “thiếu sót” về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Gần một năm qua, VEAM vẫn chưa thể kiện toàn vị trí CEO của tổng công ty. Theo nguồn tin của Dân trí, Đảng ủy VEAM mới có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo về vấn đề nhân sự của tổng công ty này. Cho đến thời điểm này, ai sẽ được ngồi vào "ghế nóng" CEO của VEAM vẫn chưa được quyết định.

Ngoài ra, VEAM cũng là cái tên nằm trong danh sách doanh nghiệp của Bộ Công Thương chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 theo phát hiện của Thanh tra Chính phủ. Thông tin này khiến công chúng xôn xao vào giữa năm 2018.

                                                                                                                                                                    Trang Huyền (T/h)