Bi hài chuyện loài rùa mới được tìm thấy tại Việt Nam đã có nguy cơ tuyệt chủng

(SHTT) - Thông tin các nhà khoa học phát hiện thêm được một loài rùa mới tại vùng đầm lầy miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc khiến người trong ngành "vừa mừng, vừa tủi" khi xác định đây là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo báo cáo được đăng trên tạp chí ZooKeys, các chuyên gia từ bảo tàng Lịch sử tự nhiên Senckenberg tại Dresden (Đức) đã tìm ra loài thứ 5 trong chủng rùa mai mềm. Nó được đặt tên là Rùa mai đốm (Pelodiscus variegatus), để chỉ các đốm hoa văn đặc biệt bên dưới bụng của chúng. Điều quan trọng, phân tích DNA cho thấy các cá thể đủ khác biệt về mặt di truyền để được định nghĩa là một loài mới.

 
Sự khác biệt về mặt di truyền giúp loài rùa mai đốm đủ điều kiện trở thành một loài mới. 

"Vài năm trước, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các nghiên cứu so sánh giữa các loài rùa mai mềm Trung Quốc hiện nay xem liệu chúng có thực sự là cùng một loài hay không, và trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi, hóa ra có một số chi không được công nhận”, giáo sư Uwe Fritz, nhà nghiên cứu chính cho biết.

Fritz nghi ngờ rằng nếu phân tích sâu hơn về rùa mai mềm của Trung Quốc sẽ tiết lộ thêm nhiều thông tin khác.

 

Rùa mai mềm có lớp vỏ linh hoạt được bọc bằng da thay vì vỏ có sừng như chúng ta nhìn thấy ở hầu hết các loài rùa. Chúng có một cái mũi cực dài (được gọi là vòi) với lỗ mũi có thể hoạt động như một ống thở nhỏ.

Ngay khi được xác định là một loài mới, loài rùa mai mềm mới đã được liệt kê là dễ bị tuyệt chủng, giống như các thành viên khác trong chi của nó. Chuyện này khiến các nhà khoa học không khỏi cảm thấy "vừa mừng, vừa tủi" khi chưa kịp vui vì khám phá của mình đã vội đau đầu tìm kiếm phương hướng bảo tồn giống nòi cho loài rùa mai đốm.

Theo giáo sư Fritz, việc định danh loài rùa mới cho phép chúng ta nâng cao nhận thức của giới bảo tồn, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn rùa tốt hơn trong tình trạng các cư dân bản địa tại Trung Quốc coi rùa là một loại thực phẩm.

Khả An