Sứ mệnh của vệ tinh "made in Vietnam" mới được phóng lên quỹ đạo là gì?

(SHTT) - Đúng 7h50 ngày hôm nay, tên lửa đẩy Epsilon mang theo vệ tinh MicroDragon thử nghiệm của Việt Nam và 6 vệ tinh của Nhật Bản đã bay vào quỹ đạo thành công và tới khoảng 8h55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km để thực hiện sứ mệnh của mình.

 Theo VnExpress, sáng nay, tên lửa Epsilon số 4 mang theo 7 vệ tinh thử nghiệm công nghệ, gồm: Vệ tinh nhỏ của JAXA (200 kg); 3 vệ tinh dòng micro (60 kg) của Đại học Tohoku, MicroDragon (50 kg) của Việt Nam, ALE-1 (68 kg) của công ty ALE và 3 vệ tinh lớp cubesat (4 kg) và một số vệ tinh khác nặng từ 1 đến 3 kg sẽ bay vào quỹ đạo.

 

Vào khoảng 8h55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km so với mặt đất. 

 

Vệ tinh Micro Dragon được chế tạo bởi 36 kỹ sư người Việt, thuộc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VNSC) từ năm 2013. Quá trình thử nghiệm hoàn tất trong năm 2017 và tới tháng 10/2018, Micro Dragon sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon của Nhật Bản.

 

Được biết, MicroDragon là sản phẩm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ "Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản".

 

Cụ thể, sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất.

Để thực hiện khối nhiệm vụ chính, vệ tinh MicroDragon sử dụng hai máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng (LCTF) có thể chụp được ở hai dải phổ, ánh sáng khả kiến (bước sóng từ 412 nm đến 740 nm) và cận hồng ngoại (bước sóng từ 730 nm đến 1026 nm).

 

Sau Micro Dragon, theo lộ trình, Việt Nam sẽ tiến tới chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, hai vệ tinh theo công nghệ radar tiên tiến với khối lượng khoảng 600kg, gần 12 lần MicroDragon, kích thước là 1,5m x 1,5m x 3m, tồn tại trên vũ trụ 5 năm.

Ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511 km. Theo đó, ảnh từ vệ tinh MicroDragon sẽ là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ vũ trụ trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Khả An