Những sự thật thú vị về bộ não

(SHTT) - Bộ não chứa đựng muôn vàn những điều lý thú. Bộ não giúp chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh; kể những câu chuyện khi ta đang ngủ; gửi tín hiệu báo động và thúc đẩy cơ thể chiến đấu khi cảm thấy nguy hiểm; giúp ta thích nghi với môi trường; lưu trữ ký...

Một loại tế bào thần kinh mới

Các nhà khoa học phát hiện ra một loại tế bào hoàn toàn mới trong não người, điều đặc biệt là loại tế bào này chưa từng được mô tả trước đó và thậm chí chưa từng xuất hiện trên mô hình động vật yêu thích của các nhà thần kinh học: chuột. Loại tế bào thần kinh mới này có tên “rosehip neuron” vì vẻ ngoài rậm rạp của nó.

Loại tế bào thần kinh mới này có tên “rosehip neuron” vì vẻ ngoài rậm rạp của nó 

Một phần lý do mà rosehip “tránh né” được các nhà khoa học bấy lâu nay có lẽ là do chúng khá hiếm trong não. Tế bào não này chỉ chiếm khoảng 10% lớp đầu tiên của vùng vỏ não mới- phần tiến hóa muộn nhất của vỏ não cho phép nghe và nhìn (có nghĩa là tổ tiên xa xôi của con người không có cấu trúc này). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nơ-rôn rosehip kết nối với các tế bào thần kinh khác gọi là tế bào tháp (pyramidal cells)- một loại nơ-rôn kích thích chiếm 2/3 số nơ-rôn trong vỏ não.

Cậu bé bị cắt 1/6 bộ não

Cậu bé có tên trong tài liệu y khoa là "UD" đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ thùy chẩm và thùy thái dương sau. Mục đích của ca phẫu thuật là để ngăn chặn những cơn co giật thường xuyên và không thể chữa trị của cậu bé.

Khi thùy chẩm và thùy thái dương phải bị cắt, phần thùy chẩm và thái dương còn lại bên não trái tiếp quản nhiệm vụ của những "đồng nghiệp" của mình 

Năm nay UD đã 11 tuổi, dù không có phần chính của bộ não, cậu bé vẫn có chỉ số IQ trung bình, kỹ năng nhận thức ngôn ngữ và thị giác của cậu phù hợp với lứa tuổi. Các bác sĩ trong quá trình theo dõi nhận thấy khi não phải bị cắt, phần thùy chẩm và thái dương còn lại bên não trái tiếp quản nhiệm vụ của những "đồng nghiệp" của mình. Điều này giúp U.D. nhận diện được khuôn mặt và vật thể ở phía bên trái tầm nhìn.

Não có thể chứa vi khuẩn

Bộ não của chúng ta có thể chứa rất nhiều vi khuẩn 

Có thể bạn chưa biết một sự thật rằng bộ não của chúng ta có thể chứa rất nhiều vi khuẩn. Nhưng đừng lo lắng - có vẻ như những vi khuẩn đó sẽ không gây hại gì cho bạn. Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng não là môi trường không có vi khuẩn và một khi có sự hiện diện của vi khuẩn thì sẽ là dấu hiệu của mầm bệnh. Nhưng theo một nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học thần kinh trong năm nay cho thấy bộ não của chúng ta thực sự có thể chứa vi khuẩn vô hại. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 34 bộ não sau khi chết, tìm kiếm sự khác biệt giữa những người bị tâm thần phân liệt và những người không mắc bệnh này. Kết quả, họ đã phát hiện các vật thể hình que, và những vật thể này được xác định là vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận phát hiện này.

Căng thẳng có thể khiến não bộ teo nhỏ

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm nay: Căng thẳng có thể thu nhỏ não bộ.

Căng thẳng có thể thu nhỏ não bộ 

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét trên hơn 2.000 người khỏe mạnh, trung niên và phát hiện ra rằng những người có nồng độ cortisol cao thì có khối lượng não và chức năng nhận thức thấp hơn so với những người có nồng độ cortisol thấp. Điểm số trong các bài kiểm tra của người có nồng độ cortisol cao hơn cũng thấp hơn - mặc dù không có ai tham gia mắc chứng mất trí trong suốt thời gian đó. Cortisol là hooc-môn tham gia vào một loạt các hoạt động bình thường của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất, miễn dịch và sự hình thành trí nhớ. Nhưng nồng độ cortisol cao thường là hệ quả của căng thẳng trong não bộ, hé lộ đó có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến não.

Về mặt hạn chế, nghiên cứu này không đo nồng độ cortisol của người tham gia liên tục trong suốt thời gian theo dõi, nên không thể đánh giá những thay đổi đột biến nếu có. Hơn nữa, tất cả những người tham gia đều là người Mỹ da trắng sống gần nhau, gợi ý rằng nó chưa thể đại diện cho toàn bộ dân số.

Tuy nhiên, tiến sĩ Seshadri khuyên rằng đề phòng vẫn là cần thiết và có ích. Bạn nên thư giãn để giảm stress, từ đó làm giảm nồng độ cortisol. Một số cách để giảm căng thẳng bao gồm thiền, tập thể dục, yoga, ngủ đủ giấc và duy trì một đời sống xã hội lành mạnh...

Hoàng Ánh