Hiện tượng "bánh băng" độc lạ xảy ra do đâu?

(SHTT) - Hiện tượng các tảng băng hình tròn lấp kín dòng sông River Helmsdale ở Scottish Highlands, Scotland tuần này đã thu hút sự chú ý rất lớn từ cộng đồng mạng. Vậy, hiện tượng kỳ lạ này xảy ra do đâu?

Theo trang tin điện tử The Sun, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư tên Daniel Norrie, 31 tuổi, đã chụp lại được rất nhiều hình ảnh dòng sông River Helmsdale ở Scottish Highland với vô số các bánh băng gần như lấp đầy bề mặt con sông này vào ngày 6/12. Các hình ảnh về hiện tượng hiếm có này sau khi được đăng tải lên các trang mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của các cư dân mạng.

 

Hiện tượng xảy ra khi các mảnh băng va vào nhau và tạo ra những hình tròn được gọi là “bánh” băng.

Nói về hiện tượng độc đáo này, Phòng khí tượng thủy văn quốc gia Scotland cho biết, để hình thành các “bánh” băng, cần có những điều kiện cụ thể và hiện tượng này thường thấy ở biển Baltic nhưng cũng có lúc xảy ra ở Bắc Mỹ và Canada. Các “bánh” băng có độ dày từ 0,2m - 2m.

 

Các chuyên gia cho rằng, nhiệt độ đóng băng khiến các bong bóng nước bị đông lạnh nhanh và nhờ vào tác động của các dòng chảy các bóng nước đông lạnh đã được nhào nặn thành các bánh tròn.

Các bánh băng thường hình thành trên bề mặt đại dương hoặc hồ quanh vòng Bắc cực, nơi chuyển động của nước ngăn cản băng tạo lập các mảng bằng phẳng. Tuy nhiên, chúng đôi khi cũng xuất hiện trên các con sông khi nhiệt độ xuống thấp đủ mức. Rìa vòng ngoài của mỗi chiếc “bánh” băng nhô cao hơn do các bánh băng đâm vào nhau vì chuyển động của sóng đại dương.

Hồi tháng 12/2014, hiện tượng “bánh” băng cũng từng xuất hiện trên bề mặt dòng sông Dee ở Scotland.

Mai An