Nguy cơ cuộc chiến giá dầu

Kết thúc phiên giao dịch tại thị trường New York vào rạng sáng ngày 20-11 (giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục lao dốc xuống dưới 80 USD/thùng, chạm đáy trong 4 năm qua. Chỉ trong 4 tháng, giá dầu Brent đã giảm 1/4 giá trị. Khối lượng giao dịch thấp hơn 24% so với mức trung bình 100 ngày. 

Mỹ - Saudi Arabia: tranh giành thị phần

Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn chứng khoán New York giảm 3 cent, xuống 74,58 USD/thùng. Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 12 giảm 44 cent, xuống 74,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 1-2015, cũng chỉ ở mức 78,55 USD/thùng, chưa thể vượt ngưỡng 80 USD/ thùng. Tính từ tháng 6 năm nay, giá dầu đã giảm tới 25% giá trị.

Giá dầu liên tục giảm trong những tháng qua do lo ngại dư cung toàn cầu, một phần do sản lượng dầu của Mỹ - quốc gia được dự đoán sẽ trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới vào năm 2015 - liên tục tăng. Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 14-11 vừa qua tăng 2,6 triệu thùng lên 381,1 triệu thùng, dự trữ xăng tăng 1 triệu thùng... Dự báo Mỹ sẽ trở thành một “Saudi Arabia mới”, tuy nhiên Saudi Arabia không thể dễ dàng từ bỏ vai trò là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với giá dầu. Trong bối cảnh này, Saudi Arabia vẫn tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu khiến viễn cảnh giá dầu tăng trở lại là khó có thể. Với dự trữ 266 tỷ thùng dầu, khả năng sản xuất 12,5 triệu thùng dầu/ngày và quan trọng hơn cả là khả năng sản xuất dầu với chi phí thấp, Saudi Arabia hiện vẫn là thành viên quyền lực nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang có sự cạnh tranh cao với ngành dầu lửa của Nga, Mỹ và Canada. Theo Business Week, tháng 9 vừa qua, bất chấp sự dư thừa nguồn cung dầu lửa toàn cầu do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự gia tăng chóng mặt sản lượng dầu của Mỹ, Saudi Arabia vẫn tăng sản lượng thêm 0,5%, lên mức 9,6 triệu thùng/ngày, nâng tổng sản lượng dầu của OPEC lên mức cao nhất trong 11 tháng là khoảng 31 triệu thùng/ngày. Thay vì cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu, Saudi Arabia đã phát đi tín hiệu quyết tâm bảo vệ thị phần, nhất là tại các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc trước nguồn cung dầu từ Nga, Mỹ Latinh, và các đối thủ châu Phi.

Dầu giảm - lợi và hại

Giá dầu thế giới giảm đối với châu Á, khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, là điều tốt vì sẽ làm giảm chi phí của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô tiếp tục giảm, châu Á có thể bị thiệt hại. Tuy giá dầu giảm sẽ làm giảm kim ngạch nhập khẩu của châu Á nhưng giá dầu yếu đồng nghĩa với nhu cầu chậm lại từ Trung Quốc và châu Âu, điều này có thể ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu lớn tại châu Á.

Tại châu Phi, giá dầu thế giới lao dốc mạnh làm lợi cho nhiều người tiêu dùng vì chi phí cho nhiên liệu giảm. Tuy nhiên, đà lao dốc này khiến các nước sản xuất dầu ở châu Phi lo ngại đến sự cân bằng ngân sách của mình. Các nước như Nigeria, Angola, Gabon và Congo có những giàn khoan sâu ở ngoài khơi bị ảnh hưởng nặng nề. Các thị trường tài chính tỏ ra miễn cưỡng khi tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và thăm dò. Một số dự án đáng lẽ phải đưa vào khai thác thì nay bị hoãn hoặc bị hủy.

Giá dầu chạm đáy trước cuộc họp của OPEC vào ngày 27-11 tới và giới quan sát đang hoài nghi việc OPEC, nhất là nước xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia, sẽ giảm sản lượng. Có vẻ như OPEC đang lên dây cót cho một cuộc chiến giá dầu. Với dự trữ ngoại hối 735 tỷ USD, Saudi Arabia có khả năng chống chọi với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài tốt hơn so với các quốc gia đối thủ khác, nhưng một cuộc chiến giá dầu có thể dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia có vấn đề về ngân sách.