Biến vỏ tôm, vỏ cua thành loại gỗ siêu chống thấm và không bao giờ bi cháy

(SHTT) - Tương lai của ngành công nghiệp chế biến gỗ sẽ có sự thay đổi lớn khi gần đây các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra phương thức sản xuất gỗ nhân tạo từ vật liệu nhựa và vỏ tôm cua. Sáng tạo này sẽ góp phần bảo vệ môi trường khi hạn chế được nạn phá rừng hiện nay.

Các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã tạo ra được một loại vật liệu giống gỗ mới bằng cách đông lạnh dung dịch nhựa polyme với một ít chitosan (dẫn xuất polymer từ vỏ tôm và vỏ cua). Dẫn xuất này có tác dụng tạo ra cấu trúc xốp.

Vật liệu giống gỗ mới được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra với hy vọng hạn chế nạn phá rừng. 

Để tạo ra được vật liệu này, dung dịch nhựa sẽ được đun nóng ở nhiệt độ cao lên tới 200 độ C để tạo ra các liên kết hóa học bền chắc hơn. Công đoạn gia nhiệt cho vật liệu có tác dụng tăng liên kết trong nhựa và làm tăng độ bền chắc cho gỗ. Thậm chí nếu muốn cải thiện độ bền, các nhà khoa học hoàn toàn có thể cho thêm sợi nhân tạo hoặc sợi tự nhiên vào trong hỗn hợp trên.

Theo chia sẻ của tác giả nghiên cứu, ông Shu-Hong Yu, loại gỗ tổng hợp này có thể chịu mài mòn và lực tác động như gỗ thường nhưng lại mang nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với gỗ truyền thống.

Đầu tiên là nó dễ sản xuất hơn và không mất nhiều năm để trồng và lấy gỗ.

Thứ hai, nó có khả năng chịu nước. Thử nghiệm ngâm loại gỗ này trong bồn axit và nước trong vòng 30 ngày hầu như không làm ảnh hưởng đến các đặc tính và sức mạnh của gỗ. Với gỗ thường, nếu như ngâm lâu trong nước có thể dẫn tới giảm tính đàn hồi. Thực tế các mẫu gỗ Balsa bị ngâm trong dung dịch tương tự đã mất đi 70% độ cứng và 40% sức chống chịu trước các va đập.

Thứ ba, loại vật liệu này cũng khó cháy hơn so với gỗ thường và chỉ cháy nếu phải tiếp xúc với ngọn lửa liên tục. Thú vị là nó có thể dễ dàng dập tắt sau khi bị bỏ ra khỏi đám lửa. Đây là một ưu thế rất lớn của loại gỗ tổng hợp này.

Ngoài ra, khi phối trộn vật liệu này với graphene, các nhà khoa học phát triển thấy vật liệu có thể cách nhiệt tốt hơn cả gỗ tự nhiên.

 Nhóm các nhà nghiên cứu hy vọng rằng công nghệ mới này có thể thay thế được vệc sử dụng gỗ tự nhiên trong tương lai.

Nhóm các nhà nghiên cứu tin tưởng, loại gỗ tổng hợp này thích hợp để sản xuất hàng loạt và hy vọng một ngày nào đó, vật liệu có thể thay thế được gỗ tự nhiên, nhằm hạn chế nạn phá rừng và dùng cho các hoạt động xây dựng trong môi trường khắc nghiệt.

Mai An