Nâng cao nhận thức bảo vệ người tiêu dùng trong vấn nạn hàng giả

(SHTT) - Tại hội thảo Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2018, các chuyên gia cho biết cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để chống hàng giả. Đồng thời người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, nhận biết thương hiệu sản phẩm để hạn chế bị mua nhầm hàng nhái.

Mới đây, Quỹ Chống hàng giả (ACF) và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hội thảo Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2018.

Trong tham luận được trình bày tại Hội thảo, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) cho rằng, thời gian qua, các vụ việc xâm phạm quyền lợi của NTD xảy ra trên quy mô khá lớn, trên nhiều lĩnh vực được báo chí phát hiện và đưa ra trước công luận, tiêu biểu như: thực phẩm chứa các hóa chất bảo quản độc hại, chất gây ung thư; xăng chứa các chất làm hỏng xe máy; hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan…; đáng nói hơn là tình trạng vi phạm quyền lợi NTD không có xu hướng giảm. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do trách nhiệm của DN đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường còn hạn chế.

“DN có vai trò, vị trí quan trọng trong việc chung tay thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD; bên cạnh trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hóa, DN cần chú trọng trách nhiệm xã hội của DN vì cộng đồng”, đại diện Cục này cho biết.

 

Đồng quan điểm, ông Phạm Linh - Thành viên Ban chấp hành Hội doanh nhân trẻ TP. HCM cũng nhận định, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe, gây thiệt hại cho NTD và đặc biệt là làm suy giảm lòng tin của NTD đối với các nhà sản xuất kinh doanh chân chính.

Để khắc phục tình trạng này, ông Linh đề xuất ngoài các biện pháp mạnh tay áp dụng với các trường hợp sản xuất mua bán hàng giả hàng gian thì các hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cũng cần được tài trợ kinh phí, khuyến khích ủng hộ, qua đó giúp cho các doanh nghiệp chân chính tiếp cận tốt hơn với đối tác, khách hàng với những thông tin về sản phẩm rõ ràng minh bạch.

Các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ sẽ phần nào giúp định hướng, thúc đẩy các DN chia sẻ nhiều hơn các thông tin, đặc tính sản phẩm, đặc điểm phân biệt sản phẩm… của DN mình cho đối tác và NTD.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng cho hay, sự phát triển của thương mại điện tử đã mang lại những bước tiến đáng kể trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên đi kèm với đó cũng là sự gia tăng của các vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. “Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua đã nhận được rất nhiều khiếu nại liên quan thương mại điện tử, trong đó đa phần là hành vi buôn bán hàng hóa không đúng với giới thiệu của doanh nghiệp…” – ông Tuấn cho hay.

Với thực trạng như đã phân tích, đại diện Quỹ chống hàng giả và Cục Cạnh tranh Bộ Công thương khuyến nghị người tiêu dùng nên nâng cao khả năng nhận biết thương hiệu, chất lượng sản phẩm để hạn chế bị lợi dụng. Người tiêu dùng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin phân biệt chất lượng hàng hóa thật giả qua nhiều phương tiện truyền thông.

Còn đối với các trường hợp kinh doanh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đại diện AFC cho biết sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay và nghiêm minh theo pháp luật. Bởi, trong chiến lược đẩy mạnh xây dựng mối liên kết lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp thì chính năng lực của mỗi doanh nghiệp là niềm tin lớn nhất cho người tiêu dùng.

Thái Hà