Phát hiện Mặt Trăng ngoại vi đầu tiên ngoài hệ Mặt Trời

(SHTT) - Mới đây, hai nhà thiên văn học tới từ đại học Columbia đã tìm ra các chứng cứ về sự tồn tại của Mặt trăng ngoại vi (Exomoon). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người nắm bắt được loại hành tinh đặc biệt này.

Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà thiên văn học trên Trái Đất đã tìm ra 8 hành tinh chính trong Hệ Mặt Trời, gần 4000 hành tinh ngoại vi có quỹ đạo xoay quanh các ngôi sao khác nhưng các nỗ lực tìm kiếm một Mặt Trăng ngoại vi dường như chưa bao giờ đạt được thành quả cho tới thời gian gần đây.

David Kipping và Alex Teachey  

Vào ngày 3/10/2018, hai nhà thiên văn học David Kipping và Alex Teachey đến từ Đại học Columbia đã bất ngờ công bố các chứng cứ cho những phát hiện đầu tiên về Mặt Trăng ngoại vi. Đó là một Mặt Trăng ngoại vi có quỹ đạo xoay quanh hành tinh Kepler-1625b, cách Trái Đất 8000 năm ánh sáng. 

 

Năm 2017, hai nhà khoa học từ ĐH Columbia là Alex Teachey và David Kipping đã lần đầu tiên công bố rằng họ tìm thấy một ứng viên cho danh hiệu exomoon đầu tiên từ dữ liệu của Kepler. Và nay, họ bằng các dữ liệu từ kính thiên văn vũ trụ mạnh mẽ hơn là Hubble, họ đã có thêm bằng chứng cho thấy vật thể ấy đích thực là một Mặt trăng bên ngoài hệ Mặt trời.

 

“Nếu các dữ liệu từ Hubble cũng cho kết quả tương tự, nghiên cứu có thể cung cấp những dữ kiện quan trọng về sự phát triển của một hệ hành tinh, và khiến giới khoa học phải xem xét lại các giả thuyết về sự hình thành của Mặt trăng xung quanh một tinh cầu” - David Kipping, Giáo sư thuộc ĐH Columbia và là một trong hai người phát hiện ra Exomoon, cho hay.

Theo giả thuyết hiện tại, Mặt trăng của chúng ta được hình thành sau vụ va chạm của Trái đất với một thiên thạch. Nhưng với một tinh cầu khí như Kepler-1625b, các vụ va chạm sẽ không thể tạo ra đủ nguyên liệu để hình thành một Mặt trăng lớn như vậy. 

Thái An