Hệ thống năng lượng xanh liệu có thể hóa xanh sa mạc Sahara?

(SHTT) - Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Sciencereveals tiết lộ rằng các cánh đồng pin mặt trời và tua-bin gió được lắp đặt tại sa mạc Sahara có thể làm tăng lượng mưa trên khu vực và biến nơi này trở thành vùng đất xanh vào một ngày không xa.

Theo tờ Fox News, trong quá trình nghiên cứu về kế hoạch xây dựng các cánh đồng năng lượng xanh tại sa mạc Sahara, các nhà khoa học cũng đã tiến hành tính toán song song sự ảnh hưởng của mô hình này đối với khí hậu, cụ thể là lượng mưa, nhiệt độ và thảm thực vật, khi dự án thực sự được đi vào thực tiễn.

 

Theo Eugenia Kalnay, một đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc lắp đặt quy mô lớn các cánh đồng tua-bin gió và các cánh đồng pin năng lượng mặt trời có thể mang lại lượng mưa nhiều hơn và thúc đẩy sự sinh sôi, nảy nở của thảm thực vật trên vùng sa mạc Sahara. Cụ thể, nó có thể tăng gấp đôi lượng mưa hằng năm rơi trên sa mạc Sahara và mở rộng 20% thảm thực vật trên khu vực này trong tương lai".

 

Sự gia tăng lượng mưa là hệ quả của các tương tác phức tạp xảy ra giữa các tấm pin mặt trời và tua-bin gió tạo ra các bề mặt đất cứng hơn và màu mỡ hơn. Các tua-bin gió sẽ kéo không khí ấm hơn xuống bề mặt trong khi các tấm pin mặt trời giúp giảm phản xạ nhiệt bề mặt, cả hai đều có thể làm tăng lượng mưa và làm biến đổi cảnh quan thực vật trên khu vực sa mạc Sahara.

 

Các nhà nghiên cứu tính toán được rằng nếu như phủ kín toàn bộ diện tích bề mặt sa mạc Sahara (khoảng hơn 9 triệu km2) bằng các cánh đồng pin năng lượng mặt trời và tua-bin gió thì lượng điện được tạo ra ở nơi đây sẽ đạt khoảng 79 terawatt, gấp 4 lần lượng điện cả thế giới sử dụng năm 2017 (18 terawatt). Đây sẽ là nguồn năng lượng sạch khổng lồ giúp con người giảm lượng năng lượng hóa thạch cần sử dụng để tạo ra năng lượng hằng năm.

Mai An