UBND Huyện Tây Sơn – Bình Định giải quyết chính sách không thấu tình đạt lý: Kỳ 1 - Nhiều lần thưa gửi

(SHTT) - Một gia đình có công với cách mạng, có bằng khoán đất đai tại địa phương, đã nhiều lần xin lại đất hay chỉ đơn giản là cấp một phần đất để xây dựng nhà ở thờ phụng liệt sĩ cũng không được giải quyết. Tại sao lại có sự việc oan trái như vậy?

Bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm: 1950), quê quán tại xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, hiện đang cư trú tại 33 Hàn Mặc Tử, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐăkLăk, có đơn khẩn thiết gửi đến tòa soạn trình bày sự việc như sau:

"Trước năm 1975, gia đình tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ tại xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định. Năm 1965, trong lúc đang làm nhiệm vụ, cha tôi đã hi sinh (liệt sỹ Nguyễn Bảo, Huân chương kháng chiến hạng nhì). Chúng tôi bị địch truy lùng ráo riết nên đã bỏ lại nhà cửa quê hương, chuyển đi hoạt động ở ĐăkLăk.

 Sau năm 1975, tôi cùng em ruột là Nguyễn Thị Hạnh  (1954) đã trở về quê hương. Nhưng nhà cửa đã bị giặc đốt phá, nên chúng tôi không thể ở lại quê và phải trở lại Đăk Lăk tiếp tục làm ăn sinh sống. Còn lại ruộng vườn chúng tôi nhờ vả bà con sống ở đó trông coi hộ.

 Đến năm 1980, chị em tôi trở về với ý định tiếp tục cuộc sống tại nơi đây, nên đã liên hệ với những người trông hộ đất đai của gia đình tôi để nhận lại đất thì được biết,  toàn bộ đất đai gia đình tôi sở hữu đã bị chính quyền thu hồi vì lí do: đất không có chủ(!)

 Sau đó, tôi đã lên gặp chính quyền xã để xin nhận lại phần đất của gia đình, thì chính quyền xã đã yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất đai, nhưng thời điểm đó tôi không thể cung cấp vì giấy tờ đã bị thất lạc.

 Đến năm 1986, tôi về và tiếp tục liên hệ với chính quyền xã Bình Tân để yêu cầu nhận lại đất đai của gia đình, thì Chủ tịch xã Bình Tân lúc đó là ông Nguyễn Trung Kiên trả lời là đất đai sau giải phóng là thuộc Nhà nước quản lý, nên xã không có đủ thẩm quyền giải quyết trả lại.

 Năm 1991, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nên tôi đã quyết định về quê lần nữa để xin nhận lại đất đai của gia đình để làm ăn sinh sống. Nhưng ông Châu Hải - Chủ tịch xã đã trả lời là xã không đủ thẩm quyền để giải quyết và chờ chỉ đạo của cấp trên.

 Quãng năm 1993 - 1994, vì không nhận được bất cứ thông báo nào của UBND xã Bình Tan liên quan đến việc đòi lại đất của gia đình tôi, nên tôi tiếp tục về liên hệ với xã để đòi lại đất thì được ông Hồ Đức Nghĩa - Chủ tịch UBND xã trả lời là đất của gia đình tôi không rõ nguồn gốc, nên UBND xã không đủ thẩm quyền để giải quyết trả lại đất.

 Đến năm 2008, tôi được biết mảnh đất có phần mộ Tổ tiên của gia đình dòng họ chúng tôi đã bị sang lấp để mở đường, xây dựng trường học và phân lô bán nền cho các hộ dân trên địa bàn xã. Do vậy, tôi đã về và mua lại một mảnh đất có phần mộ tổ tiên từ một chủ mới để quy tập lại phần mộ còn lại và tiếp tục yêu cầu UBND xã trả lại phần đất của gia đình. Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Tân - trả lời là không thể giải quyết được, vì UBND xã thực hiện chủ trương của cấp trên.

 Năm 2014, tôi mới tìm lại được giấy tờ đất đai của ông bà để lại. Gia đình tôi tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương, thì được UBND xã trả lời là nguyện vọng xin lại phần đất của gia đình chúng tôi là không có cơ sở và không được Nhà nước thừa nhận".

 
 
Đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Liên gửi khắp nơi, nhưng sự giải quyết vẫn ì ạch 

Anh Huy