Vai trò không thể thiếu của Nga ở Ukraine

Kết thúc cuộc họp ngày 23-6 tại Luxembourg, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, đồng thời khẳng định không trừng phạt bổ sung Nga. Cùng ngày, các bên tại miền Đông Ukraine đã đồng ý ngừng bắn tạm thời, mở đường cho một cuộc đàm phán thật sự về kế hoạch hòa bình giữa chính quyền Kiev và đại diện miền Đông-Nam.

Miền Đông đòi Kiev bồi thường

Lực lượng đòi liên bang hóa có vũ trang tại miền Đông - Nam Ukraine đồng ý ngừng bắn cho đến 10 giờ (giờ địa phương) ngày 27-6 tới. Việc giám sát lệnh ngừng bắn trong thời gian trên sẽ do Nga và OSCE thực hiện. Lệnh ngừng bắn có được sau một cuộc đàm phán giữa Tổng thống Ukraine với một nhà ngoại giao cấp cao của Nga.

Theo hãng tin RT của Nga, các tỉnh miền Đông đồng ý tiếp tục xúc tiến đàm phán hòa bình với Kiev với các điều kiện Kiev rút tất cả các đơn vị vũ trang ra khỏi lãnh thổ của CH Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk; bồi thường cho những nạn nhân của xung đột vũ trang; thống nhất giữa Tổng thống Ukraine và nghị viện Donetsk và Lugansk về một văn bản hiến pháp xác định quy chế của hai CH Nhân dân tự xưng này; ân xá cho tất cả tù nhân chính trị và tái thiết cơ sở hạ tầng trong khu vực miền Đông-Nam đã bị hư hại do hoạt động quân sự. Ông Poroshenko hy vọng lệnh ngừng bắn song phương sẽ mở đường cho một cuộc đàm phán thật sự về kế hoạch hòa bình giữa đại diện hợp pháp của chính quyền và đại diện miền Đông-Nam. Còn các nhà lãnh đạo Donetsk hy vọng cuộc thảo luận giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông sẽ được khởi động trước ngày 27-6.

Liên quan đến quá trình giải quyết hòa bình xung đột tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm ngày 23-6, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ mong muốn Nga và đích thân ông Putin sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp đạt được một nền hòa bình và an ninh sâu rộng hơn tại miền Đông Ukraine.

Vai trò của Nga

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đạt được ngay sau khi các ngoại trưởng EU khẳng định hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hòa bình 14 điểm của chính quyền Tổng thống Poroshenko. EU cũng kêu gọi Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình này và có các bước đi hữu hiệu giúp hóa giải tình hình căng thẳng tại miền Đông - Nam Ukraine cũng như hỗ trợ giải cứu các nhân viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cùng những người đang bị bắt giữ tại đây.

Nhằm đưa bầu không khí trở lại bình thường và giải quyết tình hình ở các khu vực miền Đông Ukraine, ngày 24-6, Tổng thống Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang (Thượng viện) nước này hủy bỏ một nghị quyết cho phép điều quân đến Ukraine. Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Thượng viện Nga đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống Putin cử quân tới Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ và cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine được cho là đang bị đe dọa.

Về khả năng EU sẽ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong các ngày 26 và 27-6 tới, Ngoại trưởng Luxembourg cho rằng các biện pháp trừng phạt này không hỗ trợ quá trình ổn định tình hình tại Ukraine. Trái lại, theo quan chức này, việc hợp tác với Nga trong tiến trình này là rất cần thiết và Ukraine không có lựa chọn khác tốt hơn. Tuy nhiên, EU đã quyết định cấm các nước nhập khẩu hàng hóa của Crimea và Sevastopol, hai chủ thể liên bang mới của Nga, bắt đầu từ hôm nay (25-6).

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào là điều khó có thể dự báo trước. Nhưng điều quan trọng nhất mà phương Tây nhận thức được rằng không thể thiếu vai trò của Nga. Bất kể cuộc khủng hoảng Ukraine có kết cục như thế nào, nó đều có tác động lớn đến tình hình chung ở Đông Âu thời “hậu Xô viết” và ở đó nước Nga luôn tồn tại những ảnh hưởng không nhỏ.