Nga cảnh báo NATO về an ninh châu Âu

Thỏa thuận tạm thời giữa Nga và phương Tây về tình hình Ukraine hầu như không tác động gì đến tình hình thực tế tại Ukraine, khi các cuộc đụng độ ở miền Đông nước này tiếp diễn làm ít nhất 5 người chết. Trong khi đó, Nga đã đưa ra lời cảnh báo NATO về khả năng thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu nếu NATO tiếp tục áp sát biên giới Nga.

NATO lấn áp

Phát biểu với kênh truyền hình Nga TVC ngày 20-4, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Nếu NATO bước về phía Đông thêm một bước nữa, gần hơn về phía biên giới Nga, sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu. Nga sẽ phải có biện pháp để đảm bảo an ninh riêng của mình”.

Liên quan đến khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Peskov cho rằng ông không thể hình dung và không mong đợi NATO là sự lựa chọn của Ukraine trong thời gian tới. Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang ở mức xấu nhất. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo hậu quả ghê gớm trong quan hệ giữa Nga với phương Tây sau khi tổ chức này đình chỉ tất cả các hợp tác quân sự và dân sự với Nga.

Từ lâu, NATO còn chần chừ trong việc tăng cường sự hiện diện tại các nước Baltic vì lo ngại sẽ gây phương hại quan hệ với Nga. Nhưng điều đó nay đã không còn khi NATO gần đây công khai kế hoạch tăng cường quan hệ với hàng loạt nước Đông Âu gần biên giới với Nga, trong đó có các nước thành viên NATO thuộc khu vực Baltic gồm Estonia, Lítva và Látvia. NATO sẽ gia tăng sự hiện diện cả về không quân, lục quân và hải quân. 

Tổng thống Putin trong cuộc trả lời trực tuyến tuần qua cũng nói rằng, Nga và phương Tây thỏa thuận sau khi thống nhất nước Đức, NATO sẽ không mở rộng về hướng Đông nhưng rốt cuộc phương Tây đã quên thỏa thuận này khi NATO lần lượt kết nạp nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và nay thì gia tăng sự hiện diện ở đó. Nga xem bất kỳ việc triển khai lực lượng nào của NATO ở Đông Âu sẽ vi phạm Luật thành lập đã có từ năm 1997, bao gồm các điều khoản của Hợp tác giữa Nga và NATO.

Tăng cường sự hiện diện

Theo Washington Post, sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak ngày 18-4 cho rằng, không loại trừ một kế hoạch của Mỹ đưa bộ binh đến Ba Lan và vùng Baltic. Kế hoạch sẽ được công bố trong tuần này. Điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố trước đó của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng Mỹ đang xem xét một loạt các biện pháp bổ sung để tăng cường hợp tác về không quân, hải quân và lục quân ở châu Âu thông qua hình thức hợp tác song phương với các quốc gia thành viên NATO cũng như thông qua liên minh NATO. Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet tuyên bố nước ông “mong đợi một sự hiện diện lâu dài hơn của NATO ở Estonia” và xem vấn đề này có tính cấp bách. Trước mắt, theo cam kết của NATO, máy bay chiến đấu của NATO sẽ thường xuyên bay tuần tra bầu trời Estonia. Kurt Volker. Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết sự chậm trễ trong việc gia tăng hợp tác của NATO với các nước Baltic là “một sai lầm”. Các thành viên NATO khác cũng đã công khai vận động để tăng cường sự hiện diện của NATO. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski thậm chí kêu gọi NATO đóng 10.000 quân vĩnh viễn tại nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Siemoniak cho biết, sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan, cần tăng cường hiện diện ở châu Âu. 

Tuy nhiên, quan điểm tăng cường hiện diện của lực lượng NATO tại Đông Âu không được chia sẻ rộng rãi trong NATO. Nhiều thành viên cho rằng không nên có thêm các động thái đẩy Nga vào tư thế buộc phải có phản ứng. Đức là một trong số đó, khi nước này có quan hệ kinh tế sâu rộng với Nga hơn bất cứ thành viên nào của NATO.