Toàn cầu ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường đến từ nhiều nguyên nhân đang đe dọa sự sống của người dân thế giới. Từ châu Âu, châu Á đến châu Phi đang phải đối diện với bài toán đẩy lùi ô nhiễm. Cháy rừng hoành hành ở Indonesia trong 2 tháng qua đang là mối nguy hại lớn cho môi trường khu vực Đông Nam Á vốn đã quá tải bởi khói bụi đến từ các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông…

Đông Nam Á bị đe dọa

Theo tạp chí y khoa Lancet, mỗi năm ở châu Á có 2,1 triệu người chết sớm vì không khí ô nhiễm. Trong đó, 1,2 triệu trường hợp ở Đông Á và Trung Quốc, còn lại ở khu vực Nam Á. Theo số liệu thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm ở khu vực Đông Nam Á có 700.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Vệ tinh chụp được hàng trăm ống khói đen kịt ở phía trên đảo Sumatra của Indonesia. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết, 70% vụ cháy rừng là do chủ đất cố tình đốt để lấy đất trồng trọt. Gió mùa thổi những khói bụi về hướng Bắc và Đông, tràn sang Singapore, Malaysia, Campuchia, Lào và Thái Lan. Chúng hòa cùng khói bụi công nghiệp, từ các phương tiện giao thông càng khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng. 

Tháng 6-2013, Chính phủ Indonesia đã lên tiếng xin lỗi các quốc gia láng giềng do ô nhiễm vì núi lửa. Hiện nay nước này phải ban bố tình trạng khấn cấp vì tình trạng cháy rừng. Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) ở tỉnh Riau cho biết cháy rừng liên tục diễn ra trong gần 2 tháng qua tại tỉnh đảo này làm 3 người thiệt mạng, trên 13.000ha rừng và đồn điền bị cháy rụi, trong đó có khoảng 3.000ha diện tích bảo tồn rừng sinh quyển bị thiệt hại. Từ thủ phủ Palangkarya của thành phố Borneo (Indonesia), tro bụi do cháy rừng gây ra bay sang thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khiến người dân ở đây phải đeo khẩu trang dày mới giảm được nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp. Tuần trước, hơn 200 trường học ở Malaysia phải đóng cửa khi mức ô nhiễm gấp 2 lần mức nguy hiểm theo quy ước. Chỉ tính riêng tại Malaysia, có đến gần 60.000 trường hợp được chữa trị các chứng bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản… chỉ vì tro bụi. Theo vệ tinh của NASA, từ đầu năm 2014 đến nay có hơn 3.000 điểm cháy rừng trên khắp Indonesia, một số điểm ở Thái Lan và Malaysia. Con số này cao hơn hẳn số vụ cháy rừng ở thời điểm tháng 6-2013. 

Mỗi năm, nền kinh tế Indonesia bị thiệt hại hơn 4 tỷ USD do nạn cháy rừng và khai thác lâm sản bất hợp pháp. Mới đây, Indonesia đã phát động “Chương trình trồng cây xanh” với mục tiêu mỗi năm trồng 1 tỷ cây xanh trên phạm vi cả nước.

Cuộc chiến chống ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường nay là vấn nạn chung trên toàn cầu. Ở Mỹ, ô nhiễm môi trường làm 200.000 người chết mỗi năm, trong đó California chiếm 21.000 trường hợp. Ở Ấn Độ, có đến 180 thành phố có mức ô nhiễm cao gấp 6 lần mức quy định tối đa của WHO. Nước này là quốc gia có số người chết vì ô nhiễm nhiều thứ 5 trên thế giới. Trên toàn châu Âu, số người chết mỗi năm vì ô nhiễm là 100.000 người. Riêng ở Anh, Đức, Pháp, con số này là 29.000 người. Số tiền được chi để bảo vệ sức khỏe trước điều kiện môi trường sống khắc nghiệt này là 500 - 1.200 tỷ USD/năm. Giữa tháng 3 này, thủ đô Paris của Pháp phải hạn chế các phương tiện giao thông lưu thông để giảm áp lực về khí thải ra môi trường. Với điều kiện kinh tế chưa phát triển, phương tiện giao thông lỗi thời, thải ra khí độc hại khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng ở châu Phi. Ở thành phố Lagos của Nigeria, có khoảng 2 triệu ô tô cũ đang được sử dụng. 

Theo Reuters, mới đây Trung Quốc thử nghiệm thành công máy bay không người lái - Parafoil có thể rải chất xúc tác hóa học để làm tan sương mù và khói bụi ô nhiễm. Parafoil sẽ chở theo khoảng 700kg chất xúc tác hóa học và phun vào không khí. Chất xúc tác hóa học sẽ phản ứng và đóng băng các loại hạt ô nhiễm, những hạt gây ô nhiễm này sau đó sẽ rơi xuống mặt đất. Ngoài ra, Trung Quốc còn có sáng kiến đầu tư 5 tỷ USD để trồng cây xanh, giảm những rủi ro do ô nhiễm môi trường gây ra với sức khỏe con người.