Thiên tài vật lý Stephen Hawking vừa qua đời là ai?

(SHTT) - Thiên tài vật lý Stephen Hawking vừa qua đời ở tuổi 76 là thông tin gây chấn động thế giới ngày hôm nay, 14/3. Ông là thiên tài có rất nhiều đóng góp đáng giá về lý thuyết hố đen, sự khởi nguyên của vũ trụ và nhiều cuốn sách về khoa học khác.

Các con của nhà vật lý cho biết ông Hawking, 76 tuổi, đã ra đi trong bình an vào sáng sớm ngày 14/3 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh.

"Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước việc người cha thân yêu đã qua đời vào hôm nay", các con của Hawking, gồm Lucy, Robert và Tim nói trong một thông cáo được hãng PA đăng tải. "Ông là một nhà khoa học vĩ đại, một người đàn ông phi thường với công sức và di sản sẽ sống cùng chúng ta trong nhiều năm nữa".

Sự ra đi của Hawking không chỉ là một tin buồn đối với giới khoa học mà còn cả những người quan tâm đến vật lý và vũ trụ học.

 

Được biết, Stephen Hawking, tên đầy đủ là Stephen William Hawking (sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford) là một nhà vật lý lý thuyết vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh. Ông từng là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge (Anh). Từ năm 1979 đến 2009, Stephen Hawking đảm nhiệm vị trí Giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge.

Năm 21 tuổi, ông bị chẩn đoán mắc bệnh teo cơ và các bác sĩ nói ông chỉ còn hai năm để sống. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, Stephen Hawking đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đạt được thành công lớn trong sự nghiệp.

 

Trong hơn nửa thế kỷ, Stephen Hawking phải chống chọi với căn bệnh Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) khiến ông không thể đi lại như người bình thường. Chỉ còn da bọc xương vì bệnh teo cơ, toàn thân tê liệt, bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, cổ ngoẹo về một phía và chỉ cử động được hai ngón tay của bàn tay trái – đó là hình ảnh một trong những nhà thiên văn lớn nhất thời đại. Phương tiện thông tin duy nhất là chiếc máy tổng hợp giọng nói do một người bạn thiết kế riêng cho ông, hoạt động bằng cách gõ nhẹ lên các con chữ của chiếc máy tính dính liền vào xe. Mà đối với ông, cái động tác hết sức đơn giản này cũng vô cùng khó khăn. Trong tư thế bất động ấy, bộ não với năng lực sáng tạo mãnh liệt của Hawking không ngừng phiêu lưu trong những giải ngân hà có khoảng cách hàng triệu, hàng tỷ năm ánh sáng.

Những công trình của Hawking trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khám phá về nguồn gốc vũ trụ, thăm dò tiềm năng của việc du hành thời gian cho tới bí ẩn đằng sau hố đen. 

 Stephen Hawking ngày trẻ

Trong quá trình hoạt động khoa học của mình, Hawking được coi là một trong những nhà Vật lý thiên tài kể từ khi Einstein qua đời. Toàn bộ những công trình của ông được đánh giá là "chiếc chìa khoá mở cửa vào vũ trụ". Một trong những thành tựu lớn nhất mà Hawking đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình là việc góp phần chứng minh lý thuyết vũ trụ vô biên nhưng lại hữu hạn trong không thời gian. Ông đã chứng minh được điều này vào năm 1983. Ông còn đặt ra nhiều vấn đề về không thời gian, nhiều vấn đề chưa có lời giải đáp chính xác hoặc sự chứng minh xác đáng vì vũ trụ còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Tuy nhiên, những suy luận của ông đã tạo ra những hướng mới trong công cuộc nghiên cứu vũ trụ.

Với những đóng góp to lớn cho khoa học, ông Stephen Hawking được rất nhiều người kính trọng và được coi là một trong những nhà khoa học lừng lẫy nhất của lịch sử nhân loại.

 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao Huân chương Tự do cho Stephen Hawking trong một buổi lễ tại Phòng Đông của Nhà Trắng. Đây là huy chương dân sự cao quý nhất tại Mỹ.

Ngoài hoạt động nghiên cứu, Hawking còn viết sách. Cuốn "Lược sử thời gian" của ông viết năm 1988 được liệt vào những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với tổng số bản in lên tới 10 triệu bản kể cả những bản được dịch ra 40 thứ tiếng, trong đó có bản dịch ra tiếng Việt. Nghĩa là chỉ đứng sau Kinh thánh và một số vở kịch của Shakespeare.

Ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng. Hawking đảm nhiệm vị trí Giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge từ năm 1979 đến năm 2009.

Mi Vân