Giữ lửa lò rèn trăm năm

(SHTT) - Làng nghề rèn dao Đa Sỹ có tuổi đời hàng trăm năm với danh thơm nức tiếng gần xa nhưng nay lại thưa thớt ánh lửa vì sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm công nghiệp tràn lan thị trường. Điều này khiến cho những người thợ truyền thống trăn trở làm sao để giữ ánh lửa rèn bao đời.

 Cổng Làng Đa Sỹ nằm tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là dấu ấn cho lịch sử hàng trăm năm tuổi của làng rèn truyền thống danh thơm bao đời. Các nghệ nhân làm dao truyền thống ở Đa Sỹ thường được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ, mọi công đoạn, sản phẩm cũng như tay nghề đều đỏi hỏi chất lượng cao. Ảnh: Mỹ Tâm
 Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghiệp, số lò rèn còn đỏ lửa của làng nghề Đa Sỹ đã không còn nhiều. Chỉ có số ít hộ gia đình vẫn cố “bám trụ”. Bên cạnh đó, lớp trẻ ngày nay không còn quá mặn mà với nghề rèn bởi sự vất vả mà thu nhập lại không cao. Ảnh: Mỹ Tâm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của làng nghề như hiện nay, nhưng phải kể đến 2 nguyên nhân chính là cơ chế thị trường thay đổi và việc đưa các công nghệ máy móc vào làng để hoạt động còn hạn chế. Người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng công nghiệp hơn bởi giá thành rẻ, mẫu mã đẹp. Điều này cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm truyền thống vì phải chế tác thủ công, mẫu mã không đa dạng mặc dù độ bền rất cao. Ảnh: Mỹ Tâm
Những lò rèn không ngừng cải tiến, bổ sung thêm máy móc để có thể tăng năng suất cạnh tranh với hàng trăm, hàng nghìn con dao công nghiệp ngoài kia. Những khẩu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế. Người thợ chỉ làm thủ công các công đoạn hoàn thiệt sản phẩm như tạo hình và kỹ thuật “tôi” để dao sắc và cứng đòi hỏi trình độ, tay nghề cao mà máy móc không thể thay thế.  Ảnh: Mỹ Tâm
“Những đôi bài tay tận tụy, những giọt mồ hôi đang hết sức mình để giữ lấy cái nghề mà ông cha để lại. Vất vả nhất là lúc quai búa những ngày hè, cái nóng của lò nung cứ phả vào mặt, quạt chẳng thấm vào đâu mà vẫn phải tập trung cao độ” - Nghệ nhân Lê Xuân Đức chia sẻ. Ảnh: Mỹ Tâm
Sản phẩm của Đa Sỹ có một đặc trưng mà không thể tìm ở bất cứ đâu, chính là nguyên liệu để làm nên những con dao. Tất cả phôi dao đều được chọn thừ thép để làm nhíp xe, sau đó kết hợp cùng kỹ thuật rèn dao gia truyền để tạp ra những con dao sắc có độ bền và cứng cáp. Ảnh: Mỹ Tâm
Công đoạn nung dao đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Nếu nung non lửa thì sản phẩm sẽ mềm, dễ cong vênh còn nếu quá lửa, con dao sẽ giòn, dễ mẻ gãy. Ảnh: Mỹ Tâm
Công đoạn đe dao ngày nay đã được hỗ trợ bằng máy móc để san sẻ nỗi vất vả với người thợ. Cùng với đó là mong mỏi, những máy móc này có thể bớt đi được phần nào sự nặng nhọc của nghề rèn và giữ chân được lớp trẻ tiếp tục phát huy và gìn giữ “hoa lửa” đã cháy rực hàng trăm năm. Ảnh: Mỹ Tâm
 Có những sản phẩm công đoạn thắt chuôi dao bắt buộc phải làm thủ công, tạo sự liên kết không thể phá vỡ giữa chuôi và lưỡi dao, mang đến cảm giác chắc chắn cho người dùng. Đây cũng là loại dao được những người đầu bếp chuyên nghiệp ưa chuộng mà không có bất kì loại dao công nghiệp nào có thể thay thế. Ảnh: Mỹ Tâm
Từng con dao được mài cẩn thận để có những lưỡi dao sắc “ngọt” được rất nhiều đầu bếp chuyên nghiệp lựa chọn, độ bền lên đến hàng chục năm và được mệnh danh là “những con dao chặt được cả sắt”. Ảnh: Mỹ Tâm

Ở Đa Sỹ, nghề rèn không chỉ là một nghề để kiếm sống mà còn là nét đẹp và truyền thống văn hóa mà ông cha đã để lại. Giữ gìn và phát triển để những “bông hoa lửa” còn sáng rực mãi chính là mong mỏi của những người làm nghề rèn nơi đây.

Mỹ Tâm