Clinton kêu gọi Trung, Nhật dùng 'cái đầu lạnh'

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua kêu gọi Trung Quốc nỗ lực làm dịu căng thẳng với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

"Ngoại trưởng một lần nữa kêu gọi các bên dùng cái đầu lạnh để giải quyết sự việc. Nhật Bản và Trung Quốc cần có những cuộc đối thoại để kiềm chế căng thẳng trong vùng nước gần đảo tranh chấp", AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói về nội dung làm việc giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc, Dương Khiết Trì.

"Chúng tôi tin rằng Nhật Bản và Trung Quốc đều có biện pháp, sự kiềm chế và có khả năng để làm việc trực tiếp với nhau nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Đây chính là thông điệp của chúng tôi muốn gửi đến cả hai bên", quan chức Mỹ cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc có cuộc gặp tại New York bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Hai bên còn thảo luận về các nội dung khác như Biển Đông, Triều Tiên và các vấn đề về quan hệ song phương.

Hôm 25/9, ông Dương Khiết Trì cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba để thảo luận về vấn đề quần đảo tranh chấp, nhưng không đạt được kết quả nào.

Ông Dương nói Nhật vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Còn ông Gemba mô tả cuộc hội đàm kéo dài trong một giờ đồng hồ là diễn ra bầu không khí "căng thẳng". Ngoại trưởng Mỹ dự kiến có cuộc gặp với ông Gemba trong ngày hôm nay.

Hôm qua, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vì "sự cố chấp", sau khi ông Noda khẳng định sẽ không thỏa hiệp với Bắc Kinh về quyền sở hữu các đảo tranh chấp. "Trung Quốc rất bất bình và phản đối mạnh mẽ sự cố chấp cũng như quan điểm sai lầm của nhà lãnh đạo Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.

Trước đó, hôm 26/5, ông Noda tuyên bố rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ "không thể tách rời" của Nhật Bản, "cả trong lịch sử và theo luật pháp quốc tế".

Bắc Kinh hết sức tức giận trước việc chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch mua lại các đảo không người trên biển Hoa Đông từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Trung Quốc cử nhiều tàu tuần tra và hai tàu hải quân đến khu vực vùng nước gần quần đảo tranh chấp, trong khi người dân nước này tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối và tẩy chay Nhật Bản.