Hà Nội: Liên tiếp phát hiện hàng hóa nhập lậu, từ mỹ phẩm đến thời trang

(SHTT) - Thời gian qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội liên tiếp phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu và thời trang giả mạo nhãn hiệu. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc mua hàng.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP vào ngày 15/02/2023 về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế... trên địa bàn.

Theo Kế hoạch, mới đây Đội QLTT số 20 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đan Phượng kiểm tra, phát hiện 2.578 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu, tổng giá trị trên 500 triệu đồng.

 Số lượng mỹ phẩm nhập lậu bị thu giữ

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh trên, với tổng số tiền phạt: 97.500.000 đồng, về hai hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm.

Cũng tại địa bàn TP Hà Nội, Đội QLTT số 11 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại số 1, Khu nhà dân cư mới, tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội và đã phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara… giá trị hàng hóa trên 150 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là Đ.T.L.H (trú số 1, Khu nhà dân cư mới, Tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận, số hàng hóa trên H nhập trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc và giá trên sản phẩm là tự H dán vào để phục vụ cho việc bán online.

 

Có thể thấy hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái. Các đối tượng này sử dụng các chiêu trò như "quảng cáo", "thổi giá", "khẳng định hàng hiệu" để lấy niềm tin của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Minh Khoán - Đội trưởng Đội QLTT số 11 - Cục QLTT TP. Hà Nội, hiện nay, tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như các vi phạm về bảo hộ thương hiệu sản phẩm đang có những diễn biến phức tạp. Để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng hoá nhập lậu, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn, triển khai công tác kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân, kinh doanh hàng hoá trên địa bàn mà Đội quản lý, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh nào có hành vi vi phạm buôn bán hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ,... sẽ xử lý thật nghiêm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Vân Trang