Hesai phủ nhận khiếu nại vi phạm bằng sáng chế của Ouster

(SHTT) - Mới đây, đối thủ cạnh tranh Ouster đã đệ đơn khiếu nại vi phạm bằng sáng chế đối với tập đoàn Hesai, tuy nhiên Hesai thông báo sẽ "kiên quyết bảo vệ mình" trước các cáo buộc này.

Nhà sản xuất công nghệ lidar tại Thượng Hải đang phải đối mặt với vụ kiện vi phạm bằng sáng chế và khiếu nại của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ từ Ouster, một nhà sản xuất lidar ở San Francisco. Ouster cho biết Hesai đã đánh cắp thông tin từ năm bằng sáng chế của mình, trong khi Hesai lại cho rằng thiết kế và công nghệ của họ là nguyên bản.

Ngày 17/4, Yifan David Li, CEO của Hesai tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng những lời khiếu nại của Ouster là nhầm lẫn nghiêm trọng và thiếu cơ sở”. Ông cũng nói rằng Hesai đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển độc quyền. Trong đó có hơn 700 nhân viên làm việc trong các nhóm nghiên cứu và sản xuất của công ty.

Ouster đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Quốc tế điều tra việc nhập khẩu các cảm biến lidar của Hesai mà theo công ty này vi phạm các bằng sáng chế của Ouster, và đang muốn một lệnh ngừng bán hàng để cấm nhập khẩu các sản phẩm này vào Hoa Kỳ. Công ty ở San Francisco cũng kiện Hesai vi phạm bằng sáng chế tại Tòa án Liên bang vùng Delaware, Hoa Kỳ và yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại và lệnh cấm.

 

Theo Ouster, Hesai trước đó vừa giải quyết một vụ kiện bằng sáng chế với Velodyne - một nhà sản xuất lidar đã sáp nhập với Ouster vào tháng 2 năm nay. Hesai đã trả "hàng triệu" đô cho các bằng sáng chế tại Đức, Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2020.

Công ty Hesai vẫn chưa đưa ra phản hồi về vụ việc.

Angus Pacala, CEO của Ouster, nói rằng công ty "tự tin về đơn kiện vi phạm bằng sáng chế đối với Hesai" và có ý định "kiên quyết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình cho đến khi các sản phẩm vi phạm bị cấm" ra thị trường.

Pacala trước đây đã chia sẻ với Automotive News rằng đợt chào bán công khai vào tháng 3 của Hesai và những hồ sơ liên quan đã sao chép các kế hoạch của Ouster.

Cuộc chiến pháp lý giữa Ouster và Hesai diễn ra trong bối cảnh chính phủ liên bang cố gắng chống lại các hành vi trộm cắp công nghệ có liên quan đến Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Hoa Kỳ vào tháng 1 để tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những công ty ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen, bang Maryland, nói rằng Ở Trung Quốc và các nước khác trên toàn thế giới, các công ty nước ngoài đang làm việc cùng chính quyền độc tài nhằm đánh cắp các công nghệ tiên tiến của Mỹ để có được lợi thế.

Theo Bộ Tư pháp, khoảng 80% số vụ truy tố hoạt động gián điệp kinh tế của Bộ Tư pháp đến năm 2021 bị cáo buộc là hành vi có lợi cho nhà nước Trung Quốc.