General Motors lên kế hoạch tạo ra trợ lý ảo giống ChatGPT cho hệ điều hành ô tô

(SHTT) - Hãng sản xuất ô tô General Motors đang tăng cường thỏa thuận hợp tác sẵn có với Microsoft để tạo ra một trợ lý ảo giống như ChatGPT cho người lái xe với khả năng đáp ứng các mệnh lệnh bằng lời nói.

ChatGPT (viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot được điều khiển bởi công nghệ AI do Công ty OpenAI phát triển. Chatbot này sử dụng trí tuệ nhân tạo để đọc khẩu lệnh và phản hồi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, giống như con người.

ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi, viết các câu văn và giao tiếp với bạn. Công cụ này hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người. Theo CNBC, ChatGPT được cho là có thể “trả lời câu hỏi như người thật”, trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.

Chatbot AI đã được ứng dụng trong các bài luận văn, bài báo, viết thư… kể từ khi phát hành. Thậm chí, Chatbot này còn được tích hợp vào phiên bản mới của Microsoft Bing vào tháng 2 năm nay. Nhờ đó giúp công cụ tìm kiếm Bing quay lại đường đua cạnh tranh với Google, gia tăng số lượng người dùng hoạt động nhanh chóng đạt 100 triệu người trong những ngày qua.

Được biết, sự kết hợp giữa General Motors và công nghệ ChatGPT là một phần trong nỗ lực tăng cường hợp tác giữa GM và Microsoft, công ty đã đầu tư hàng tỷ đô la vào dự án ChatGPT.

Trước đó công ty này đã hợp tác với General Motors vào năm 2021, khi nhà sản xuất ô tô này tìm kiếm sự hỗ trợ để phát triển công nghệ tự lái của mình. Sau thành công đó, hãng hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ hợp tác đó để kết hợp công nghệ giúp tạo nên một trợ lý ảo trong ô tô có thể đáp ứng các mệnh lệnh bằng lời nói.

 

Theo Semafor, trợ lý ảo trong tương lai sẽ mang đến cho người lái trải nghiệm thuận tiện nhất. Ví dụ, người lái có thể yêu cầu trợ lý hướng dẫn cách thay lốp khi bị xẹp hoặc kiểm tra động cơ.

Scott Miller, người phát ngôn của General Motors chia sẻ với Reuters: “Sự thay đổi này không chỉ là sự phát triển của khẩu lệnh, mà thay vào đó, những chiếc xe tương lai của họ sẽ có thêm nhiều khả năng thực hiện nhiều hơn các lệnh thoại đơn giản đã được sử dụng trên ô tô GM trước đây với công nghệ đổi mới hơn về mặt tổng thể”.

Bất chấp tiềm năng này, việc phát triển một trợ lý ảo bằng ngôn ngữ tự nhiên để sử dụng trên hệ thống phần mềm ô tô là một quá trình phức tạp và tốn thời gian, đòi hỏi nhiều sự đào tạo và tinh chỉnh.

Theo Counterpoint, quá trình phát triển trợ lý ảo đòi hỏi một lượng dữ liệu và tài nguyên máy tính rất lớn, cũng như kỹ năng chuyên môn phải thật cao. Vì vậy các công ty có nguồn lực để thực hiện công việc này, bao gồm Microsoft, Tesla, NVIDIA, Qualcomm, Google và Baidu, là rất ít. Người ta ước tính rằng công nghệ này sẽ mất 3 đến 4 năm phát triển.

Xuân Hiếu