5 vụ kiện bản quyền đi vào lịch sử ngành âm nhạc thế giới

(SHTT) - Khi nhắc tới vấn đề vi phạm bản quyền, nóng hổi nhất, phức tạp nhất phải kể đến lĩnh vực âm nhạc. Đây vẫn luôn là vấn đề nhức nhối và gây ra nhiều tranh cãi. Dưới đây là năm vụ lùm xùm về bản quyền âm nhạc “kinh điển” trên thế giới.

“Stairway to Heaven” - Led Zeppelin

 John Paul Jones, John Bonham, Jimmy Page và Robert Plant của Led Zeppelin tạo dáng trước chiếc máy bay riêng, The Starship, năm 1973. Ảnh: Getty

Đối với người yêu âm nhạc nói chung, “Stairway to Heaven” là một ca khúc bất hủ, khiến người nghe nhớ đến ngay khi nghĩ về nhạc Rock. Tuy nhiên, thật đáng tiếc chính ca khúc làm nên tên tuổi của Led Zeppelin lại gây rắc rối cho ban nhạc 4 thành viên.

Led Zeppelin bị tố là đạo nhạc ca khúc “Taurus” của ban nhạc Mỹ, Spirit, sáng tác năm 1968, cho phần guitar dạo đầu của “Stairway to Heaven”. Việc tranh cãi xoay quanh liệu Led Zeppelin có nghe Taurus trước khi sáng tác bài hát nổi tiếng của họ và hai bài hát có đúng là rất giống nhau hay không.

Về phía Led Zeppelin, các thành viên của ban nhạc, Jimmy Page và Robert Plant đều phủ nhận cáo buộc. Cả hai phủ định việc họ biết đến ca khúc Taurus dù từng diễn chung với Spirit nhiều thập kỷ trước.

Năm 2020, Tòa phúc thẩm vòng thứ 9 giữ nguyên phán quyết của bồi thẩm đoàn rằng “Stairway to Heaven” là tác phẩm của Led Zeppelin và không hề đạo nhái giai điệu của ai khác.

Theo trưởng nhóm Led Zeppelin, ca sĩ Robert Plant, có hàng triệu bài hát cùng một tiến trình hợp âm, vì vậy đôi khi các bản nhạc có giai điệu tương tự nhau là việc khó tránh khỏi.

“Blurred Lines” - Robin Thicke ft. Pharrell Williams, T.I.

Pharrell Williams và Robin Thicke. Ảnh: Getty 

Pharrell Williams là một ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ, người nổi tiếng với bài hát được đề cử giải Oscar, “Happy”. Dẫu cho là người tạo nên cơn lốc “Happy”, Pharrell Williams cũng từng phải khốn khổ với vụ kiện tụng bản quyền của ca khúc “Blurred Lines”.

Năm 2015, Pharrell Williams, Robin Thicke cùng tập đoàn âm nhạc Universal đã thất bại trong cuộc tranh chấp với gia đình nhạc sĩ Marvin Gaye sau khi con cháu của cố nhạc sĩ đưa ra nghi án ca khúc “Blurred Lines” đạo nhạc bản hit năm 1977 - “Got To Give It Up” của Marvin.

Sau một tuần xét xử, thẩm phán đã đưa ra phán quyết, “Blurred Lines” đã đạo nhạc ca khúc “Got To Give It Up” của Marvin Gaye và yêu cầu Pharrell Williams, Robin Thicke cùng tập đoàn Universal đền bù cho nhà Marvin 7,3 triệu USD (khoảng 173 tỷ đồng) vì vi phạm bản quyền. Song, bản án đã giảm xuống còn 5,3 triệu USD (khoảng 125 tỷ đồng) sau khi Pharrell và Robin kháng cáo.

Vào năm 2018, gia đình của Gaye đã được trao phán quyết cuối cùng trị giá gần 5 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) đối với Thicke và Williams. Tuy nhiên, Rapper T.I., nghệ sĩ cùng góp mặt trong bài hát, không phải chịu trách nhiệm pháp lý.

“Ice Ice Baby” - Vanilla Ice

 Vanilla Ice vào năm 1990. Ảnh: Getty

“Ice Ice Baby” là một ca khúc thể loại hip-hop của rapper người Mỹ Vanilla Ice và DJ Earthquake. Vanilla Ice đã đưa ca khúc đến vị trí số 1 trên Billboard Hot 100 năm 1990. Thật không may cho anh, rất nhiều thính giả đã chỉ ra sự tương đồng của ca khúc này với bài hát “Under Pressure” năm 1981 của David Bowie và Queen.

Ban đầu, Vanilla Ice phủ nhận sự tương đồng của ca khúc. Rapper Vanilla Ice nhấn mạnh rằng phần đầu của bản hit “Ice Ice Baby” đủ khác biệt với bài hát “Under Pressure” của David Bowie và Queen để tránh khỏi cáo buộc sao chép.

“Tôi đã lấy bản mẫu từ ca khúc của họ, nhưng nó không giống nhau ở phần âm bass”, rapper chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Song, sau đó vụ việc đã được hòa giải bên ngoài tòa án với số tiền không được tiết lộ. Ngoài ra, Bowie và các thành viên của Queen đã được ghi tên trong phần credit.

“Alone Again” - Biz Markie

Biz Markie năm 2017. Ảnh: Getty 

Biz Markie được biết đến là rapper đưa sự hóm hỉnh vào âm nhạc của mình, nhưng có một tình huống mà khiến cho rapper vui tính này phải “mếu máo”.

Nhạc sĩ Gilbert O'Sullivan đã kiện Biz Markie với ca khúc “Alone Again” có điểm tương đồng với bài hát “I Need a Haircut".

O’Sullivan tuyên bố rằng việc sử dụng các bản nhạc mẫu từ bản hit năm 1972 của anh cũng đồng nghĩa với việc sử dụng trái phép âm nhạc của anh ấy. Nhạc sĩ O'Sullivan đã thắng kiện, và qua vụ kiện đó, hàng loạt nghệ sĩ hip-hop phải xoá bỏ việc sử dụng bản nhạc mẫu trong tác phẩm âm nhạc của họ.

Tuy nhiên, vốn là người lạc quan và vui tính, nên Biz Markie vẫn cảm thấy thích thú với điều này và đặt tên cho album năm 1993 của ông là “All Samples Cleared!” (Đã xoá các bản mẫu!)

Biz Markie là một huyền thoại nhạc Rap của Mỹ, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/7/2021, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.

“Shape of You”- Ed Sheeran

 

Ed Sheeran là nghệ sĩ toàn cầu với hàng loạt các bản hit, nắm trong tay nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý. Song, khi danh tiếng của “chàng trai vàng của nước Anh” thăng hoa, thì các vụ lùm xùm đạo nhạc cũng kéo theo, nổi tiếng trong số đó phải kể tới bản hit đình đám “Shape of You”.

Ca khúc gần 6 tỷ view từng là tâm điểm cuộc chiến tranh chấp bản quyền sau khi hai nhạc sĩ Sami Chokri và Ross O'Donoghue cáo buộc ca khúc có những điểm tương đồng với ca khúc "Oh Why" của họ được phát hành vào tháng 3/2015.

Trong phán quyết ngày 6/4/2022, Thẩm phán Tòa án Tối cao London cho rằng “Shape of You” không mượn ý tưởng lời nhạc từ ca khúc khác. Theo đó, phán quyết khẳng định Ed Sheeran không cố ý hoặc vô tình “đạo nhái” ca khúc “Oh Why” khi sáng tác ca khúc này.

Nam ca sĩ nước Anh khẳng định chưa từng nghe ca khúc "Oh Why" và luôn đề tên tác giả có công sức đóng góp cho bài hát. Trước đó, vào năm 2018, Ed Sheeran và các đồng tác giả ca khúc "Shape of You" là Johnny McDaid và Steven McCutcheon, đã thực hiện các thủ tục pháp lý chống lại Chokri và O’Donoghue và được phán quyết rằng rằng không vi phạm bản quyền.

Được biết, đây không phải là lần duy nhất chàng nghệ sĩ đa tài dính vào lùm xùm bản quyền. Năm 2016, anh đã bị kiện vì đĩa đơn “Photograph” và hai năm sau lại vướng vào kiện tụng vì “Think Out Loud”. Quả thật là “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Hà My