Đến Hà Nội: Ghé thăm trường Đại học đầu tiên của Việt Nam

(SHTT) – Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem như biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Đây là nơi thờ phụng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Tứ trụ - Lối vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám 

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Vua Lý Thánh Tông) để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, đồng thời mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu với vai trò là trường học dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý trong triều đình. Năm 1253, Vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có học lực xuất sắc. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử. Năm 1370, sau khi ông mất, Vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 1785, Vua Lê Hiển Tông đổi Quốc Tử Giám thành nhà Thái học. Đến đầu thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tại Huế, nhà Thái học đổi thành nhà Khải Thánh.

Văn Miếu Môn 
 Lối đi qua Đại Trung Môn 

Quần thể di tích gồm: Hồ Văn, Vườn Giám và Khu nội tự. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thiết kế bởi nhiều lớp nhà và lớp cửa cách nhau 5 cái sân. Đây là nơi lưu danh các bậc hiền tài qua các khoa thi, thể hiện ở 82 tấm bia tiến sĩ (được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức nhân loại năm 2010). Cứ sau mỗi khoa thi từ năm 1442 đến 1779, người xưa lại dựng lên các tấm bia đá trên lưng rùa, khắc tên những người đỗ đạt.

 Khuê Văn Các
Khuê Văn Các nhìn từ Giếng Thiên Quang 

Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tiêu biểu như các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề; tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; trao giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay tổ chức thường niên Hội sách, Ngày thơ Việt Nam…

Khu Đại Thành 
 Khu Thái Học
 Lầu trống
 Lầu chuông

Bên cạnh đó, Văn Miếu cũng được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với truyền thống hiếu học của dân tộc, nơi hội tụ tinh hoa đất học của Đại Việt xưa, Việt Nam ngày nay.

 Nơi thờ Chu Văn An, người thầy giáo tiêu biểu, mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.

Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, tháng 5/2012, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây hiện đang là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam, trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Sơ đồ tổng thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám 

Bắc Hiệp