Apple tiếp tục bị tố vi phạm các bằng sáng chế từ đầu năm 2000

(SHTT) - Mới đây, một doanh nghiệp có tên Sonrai Memory đã nộp đơn lên tòa án phía tây bang Texas (Mỹ) với cáo buộc Apple đã vi phạm nhiều bằng sáng chế vào đầu năm 2000 liên quan tới sản xuất các thiết bị iPhone, iPad và Macbook.

Cụ thể, vào ngày 15/7 vừa qua, Sonrai Memory Limited đã nộp lên tòa án phía tây bang Texas (Mỹ) vào ngày 15/7, đơn kiện của Sonrai Memory Limited cáo buộc Apple vi phạm hai bằng sáng chế mà họ sở hữu.

Các tài liệu liên quan tới vụ kiện được biết là bằng sáng chế (6.874.014) có từ năm 2005 và bằng sáng chế (6.724.241) được cấp lần đầu tiên vào năm 2004.

Theo hồ sơ, được phát hiện bởi trang Patently Apple, các vi phạm liên quan đến một danh sách dài các sản phẩm Apple, bao gồm cả iPhone 6 và iPhone 6 Plus, iPad thế hệ thứ năm, tất cả thế hệ iPad Pro, cùng nhiều MacBook Air và MacBook Pro khác nhau.

Cụ thể, đơn kiện đã tố cáo Apple đã vi phạm bằng sáng chế 6.874.014 với công nghệ được sử dụng trong các chipset A-series, M-series và T-series. Trong khi đó, 6.724.241 liên quan đến SK Hynix NAND Flash, một con chip được sử dụng để xử lý lưu trữ.

Việc nộp đơn kiện của Sonrai Memory Limited yêu cầu bồi thường thiệt hại và án phí.

Ngoài Apple, trước đó, Sonrai Memory Limited cũng đã tiến hành khởi kiện các hãng công nghệ lớn khác như Western Digital, Google, Samsung, LG, Lenovo và những hãng khác kể từ tháng 7/2021.

 

Được biết, cũng trong tháng 7 này, Apple đã bị Nga tuyên bố sẽ tiến hành xử phạt do có hành vi vi phạm các luật chống độc quyền của nước này và lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường chợ ứng dụng.

Theo đó, vào ngày 19/7/2022, dịch vụ chống độc quyền liên bang (FAS) thông báo sẽ tuyên phạt Apple, mức phạt được tính toán dựa trên doanh thu trong quá trình điều tra. Từ lâu, Moscow đã phản đối ảnh hưởng của các nền tảng công nghệ nước ngoài trên thị trường Nga song căng thẳng chỉ leo thang sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2.

Trong một tuyên bố, FAS chỉ ra Apple đã lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường phân phối ứng dụng iOS. Apple cấm nhà phát triển ứng dụng iOS thông báo cho người dùng về khả năng thanh toán bên ngoài App Store hay dùng phương pháp thay thế.

Moscow đã phạt hàng loạt doanh nghiệp phương Tây do vi phạm quy định Internet. Các quy định này bao gồm lưu trữ dữ liệu trên máy chủ đặt tại Nga, xóa nội dung theo yêu cầu của nhà quản lý và mở văn phòng trong nước. Ủy ban châu Âu cũng cáo buộc Apple vì “hệ sinh thái khép kín”, “bảo vệ Apple một cách không công bằng” trước áp lực cạnh tranh.

Sau khi đưa ra những hình phạt khá “nhẹ nhàng” từ vài chục hay vài trăm ngàn USD, Nga đã bắt đầu mạnh tay hơn. Ngày 18/7, Nga phạt Google 370 triệu USD do liên tục từ chối xóa nội dung.

Hải An